Sau năm 2023, chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế giá thị trường
Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại buổi tọa đàm trực tuyến Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, EVN không còn độc quyền khâu mua điện.
Theo ông Tuấn Anh, thị trường điện của Việt Nam phát triển qua ba cấp độ gồm thị trường phát điện cạnh tranh; thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán điện lẻ cạnh tranh.
Từ năm 2012 đến nay, việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả khả quan.
“Thị trường phát điện cạnh tranh đã được hoàn thành về cơ bản và đến nay EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực”, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ thực hiện thí điểm và từ sau năm 2023, chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế giá thị trường.
Như vậy, việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam phù hợp tinh thần với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành Điện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, xóa bỏ độc quyền trong các khâu sản xuất kinh doanh điện.
Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện.
Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.