Sau hơn 7 tháng im ắng, NHNN đã quay lại cho vay qua kênh OMO
Trong ngày 29/12 - phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023 - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái cho hai thành viên vay 4.551 tỷ đồng thông qua kênh OMO với lãi suất 4%/năm và kỳ hạn 7 ngày. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2023 kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá phát sinh giao dịch mới.
Trong khi đó, kênh phát hành tín phiếu không có hoạt động nào, và lô tín phiếu cuối cùng đã đáo hạn từ tháng 12. Như vậy, nhà điều hành đã bơm ròng 4.551 tỷ đồng qua kênh OMO trong phiên 29/12.
Trong suốt nhiều tháng đầu năm, nhu cầu vay cầm cố giấy tờ có giá để hỗ trợ thanh khoản của các tổ chức tín dụng ở mức cao, có phiên lên tới gần 27.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhu cầu này đã giảm bớt từ tháng 5 và không còn xuất hiện kể từ đầu tháng 6 đến nay, cho thấy dấu hiệu dư thừa thanh khoản khi các tổ chức tín dụng rơi vào cảnh "ế vốn". Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm cũng tụt xuống thấp, khiến nhà điều hành phải can thiệp bằng cách phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày để hút bớt tiền.
Tuy vậy, trong tuần cuối cùng của năm 2023, lãi suất liên ngân hàng tại nhiều kỳ hạn ngắn bất ngờ vọt tăng, cùng thời điểm mà các ngân hàng chạy đua nước rút để đẩy vốn ra nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,09%. Kết quả này thấp hơn tương đối so với mức tăng trưởng 12,87% ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã có cải thiện rõ rệt chỉ trong vài tháng cuối năm.
Ngày 20/9 (ba tháng trước), theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới chỉ đạt 5,73%. Nếu lấy số liệu gần hơn, vào ngày 13/12, theo báo cáo của NHNN thì tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,87%.
Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn dài hơn, từ ba tháng trở lên vẫn tiếp tục được duy trì ổn định. Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), diễn biến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng có thể cho thấy rằng nhu cầu vay yếu sẽ duy trì sau Tết Nguyên đán năm 2024.