|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau dịch COVID-19, nhà phố cho thuê kinh doanh ế ẩm

06:58 | 07/05/2020
Chia sẻ
Mặt bằng kinh doanh của các phố lớn ở Hà Nội cũng khó tìm được khách thuê, doanh thu hộ kinh doanh bán lẻ sụt giảm sau dịch Covid-19.

Mặt bằng phố lớn cũng khó cho thuê

Khu vực phố cũ phố cổ Hà Nội, nơi tập trung đông khách du lịch, nhiều tháng nay các cửa hàng trên một số tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Cót... cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Ở phố Hàng Đào, hàng loạt cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc thông báo cần sang nhượng lại.

Tương tự, trên các tuyến phố lớn khác ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Chùa Bộc, Hoàng Cầu... đã phải đóng cửa hay sang nhượng mặt bằng do lượng khách giảm sút, kinh doanh ế ẩm. Khu vực đầu phố Tăng Bạt Hổ có 3 cơ sở lớn của 1 quán bia có thương hiệu ở Hà Nội thì nay 2 điểm bỏ không, treo biển cho thuê vẫn chưa tìm được khách.

Chị Nguyễn Thị Hoài - chủ một cửa hàng thời trang tại phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, nhiều tháng nay lượng khách hàng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Sau 3 tháng cầm cự chị Hoài đã phải trả lại cửa hàng.

Sau dịch COVID-19, nhà phố cho thuê kinh doanh ế ẩm - Ảnh 1.

Phố Hàng Đào (Hà Nội) nhiều cửa hàng vẫn đang đóng cửa treo biển cho thuê.

Người kinh doanh trả lại cửa hàng vì thua lỗ, chủ nhà có mặt bằng cho thuê cũng đang khó khăn trong tìm khách thuê dù đã giảm giá. Anh Nguyễn Văn Vương, chủ nhà trên phố Hàng Đào cho biết giảm giá thuê nhưng cũng khó cho thuê.

“Trước đây, chỉ cần biết có mặt bằng cho thuê trên phố Hàng Đào này thì các hộ kinh doanh quanh đã đến hỏi thuê. Hiện, dù đã treo biển cho thuê, đăng trên web bất động sản cũng chỉ có người đến hỏi đến xem. Mặt bằng kinh doanh tầng 1 của nhà đã bỏ không gần 2 tháng nay” - anh Vương nói.

Với một cửa hàng nhỏ kinh doanh hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong khoảng 4 tháng. Từ Tết tới nay đã khoảng 4 tháng đã đến giới hạn của các hộ kinh doanh cá thể.

Kinh doanh online tiết giảm chi phí

Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sau dịch COVID-19, nhà phố cho thuê kinh doanh ế ẩm - Ảnh 2.

Mặt bằng kinh doanh này đã để gần 2 tháng không có người thuê.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ kinh tế này mới chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp và có bổ sung tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm... Còn đối với việc hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình kinh doanh bán lẻ, quán ăn, nhà hàng thì chưa có chính sách cụ thể.

Chính quyền địa phương cũng có thể cân nhắc việc hỗ trợ người dân sau khi trở lại kinh doanh thông qua hình thức miễn phí môn bài nhưng thực tế phí này cũng không lớn lắm hoặc có thể giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng phải đóng thuế.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, kéo dài xu hướng bán hàng online sẽ “lên ngôi”, người dân có xu hướng đặt mua hàng qua mạng thay vì trực tiếp đến cửa hàng. Đây là một xu thế tích cực, phù hợp với các ứng dụng công nghệ mới. “Mặt tiền vàng, mặt phố vàng” không còn chiếm thế độc tôn trong kinh doanh bán lẻ.

Xu hướng trả mặt bằng kinh doanh hiện nay cũng là quá trình cơ cấu lại thị phần của thị trường bán lẻ, chuyển sang kinh doanh online chỉ là một phần. Thị trường cho thuê bán lẻ cũng cần điều chỉnh lại giá cho thuê một cách hợp lý để thích ứng khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại.

Khảo sát của CBRE mới đây, kết quả cho thấy 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10 - 30% trong năm 2020, 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% hy vọng được chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19.

Phương Hoài