Giá nhà leo cao đến bao giờ?
Nhà ở thương mại giá leo cao
Mới đây, cử tri TP HCM đã có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng liên quan đến thị trường bất động sản nhà ở.
Trong đó, cần có giải pháp góp phần kéo giảm giá nhà để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công chức, viên chức Nhà nước,... Điều này vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở lâu dài, vừa phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2019, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có khó khăn về nhà ở, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2019.
Tuy nhiên, do Ban Tổ chức Trung ương cũng đang chủ trì xây dựng "Đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị" (Đề án) nên để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong nghiên cứu chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc lùi thời hạn trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án.
Trong thời gian tới, trên cơ sở nội dung Đề án được thông qua, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Bên cạnh đó, ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới phương thức, cơ chế chính sách tăng nguồn cung, góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân đô thị.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục báo cáo đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp góp phần kéo giảm giá nhà ở để đáp ứng nhu cầu nhà ở của đông đảo người dân.
Liên quan đến giá bán căn hộ, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM do khan hiếm nguồn cung, dự án mới được mở bán. Trong quý I/2021, giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 5 - 10% so với quý IV/2020.
Tại Hà Nội, đa số dự án mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán giao động từ 30 đến hơn 40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm,…
Còn tại TP HCM, căn hộ chung cư thuộc phân khúc này có giá cao hơn tại thị trường Hà Nội, giao động trong khoảng 35 - 45 triệu/m2. Trong khi đó, nhiều dự án căn hộ thuộc phân khúc cao cấp (trên 50 triệu/m2) tại Hà Nội, TP HCM đang thiết lập mức giá rất cao.
Đơn cử như chung cư cao cấp The Nine - Phạm Văn Đồng có giá khoảng 50 triệu/m2, chung cư The Matrix one có giá 55 - 60 triệu/m2, dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An có giá khoảng 80 triệu/m2, dự án Grandeur Palace Giảng Võ có giá khoảng 80 triệu/m2…; dự án chung cư The Tresor (quận 4) có giá khoảng 60 - 70 triệu/m2, dự án Saigon Royal (quận 4) có giá khoảng 90 triệu/m2, dự án chung cư Sadora (quận 2) giá khoảng 70 triệu/m2,...
"Thị trường căn hộ hạng sang tại Hà Nội và TP HCM đã ghi nhận có những dự án tại vị trí vàng có mức giá trên 100 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án mức giá xấp xỉ 300 triệu đồng/m2" Bộ Xây dựng cho biết.
Nhà ở xã hội khó phát triển
Ngoài ra, cử tri TP HCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét tham mưu Chính phủ trình Quốc hội bổ sung "Chương trình mục tiêu phát triển nhà ở xã hội" khi xem xét ban hành "Nghị quyết ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025", để có nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách nhà ở xã hội (NOXH) theo Luật Nhà ở.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 249 dự án NOXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2.
Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng 10,95 triệu m2. Tuy nhiên, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2).
Theo Bộ Xây dựng, việc phát triển NOXH chưa đạt yêu cầu như nêu trên do hai nhóm nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NOXH, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NOXH hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng,…
Thứ hai, do hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển NOXH, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt thấp, khoảng 2.163 tỷ đồng trên 9.000 tỷ đồng. Vì vậy, có nhiều dự án NOXH không thể triển khai thực hiện do không có vốn.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41, trong đó giao: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội".
Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sớm báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn hỗ trợ nêu trên để các Ngân hàng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.