|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Số lượng nhà ở, khu đô thị mới tăng gần 3 lần sau một thập kỷ

07:39 | 19/05/2021
Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2020, cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án nhà ở, khu đô thị mới (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010).
Số lượng nhà ở, khu đô thị mới tăng gần 3 lần sau một thập kỷ - Ảnh 1.

Số lượng nhà ở, khu đô thị mới tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010. (Ảnh: Hoàng Huy).

Thủ tướng Chính phủ vừa có làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ tập trung thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020, cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án nhà ở, khu đô thị mới (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010).

Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực chưa đạt kết quả đề ra như nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt, phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra. Tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn chậm,…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành xây dựng. 

Cụ thể, thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.

Các khu chung cư cũ đang chiếm một nguồn lực lớn của xã hội nhưng chưa có cơ chế hiệu quả, phù hợp để cải tạo, xây dựng lại, giải phóng các nguồn lực này.

Chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển,...

Không giao doanh nghiệp làm quy hoạch

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng gợi ý một số nhiệm vụ cụ thể Bộ cần tập trung trong thời gian tới. 

Cụ thể, công tác quy hoạch dứt khoát phải do nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị. 

“Nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.

Bộ Xây dựng cần tăng cường quản lý và phát triển đô thị để trở thành một ngành kinh tế quan trọng, kéo theo nhiều lĩnh vực cùng phát triển.

Cần có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương; gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý với mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó rất coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư. 

“Tại sao tư nhân đầu tư rất nhiều vào các nghĩa trang mà không có ai đầu tư vào công viên? Tại sao có những công viên lớn với hàng trăm người làm việc mà vẫn ngày càng xuống cấp?” Thủ tướng cho rằng thực tế này đặt ra những câu hỏi cần giải đáp về mặt cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng công viên, các công trình công cộng phục vụ người dân, nhà ở và cả trụ sở cơ quan nhà nước,...

Hà Lê