|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sau ba lần thất bại, AirAsia muốn từ bỏ tham vọng lập liên doanh hàng không ở Việt Nam

06:04 | 25/11/2019
Chia sẻ
CEO Tony Fernandes của hãng hàng không AirAsia cho biết ông hiện không có kế hoạch tìm kiếm đối tác tại thị trường Việt Nam sau khi thất bại trong lần hợp tác thứ ba hồi đầu năm nay.
11347

Ông Tony Fernandes và hai nữ tiếp viên hãng hàng không AirAsia. Ảnh: Getty Images.

"Sau ba lần thử thì hiện nay tôi không có kế hoạch gì cho thị trường Việt Nam. Chúng tôi không tìm được đối tác phù hợp và tôi nghĩ rằng hiện nay Việt Nam có quá nhiều hãng hàng không rồi … Cơ hội của chúng tôi sẽ đến sau", CEO 55 tuổi Tony Fernandes của hãng hàng không AirAsia cho hay.

Ông Fernandes từng là một quản lí trong ngành âm nhạc tại nước Anh nhưng sau đó chuyển sang ngành hàng không và trở thành người đưa mô hình hàng không giá rẻ đến với châu Á. AirAsia của ông hiện nay là hãng hàng không lớn nhất Malaysia và là hãng giá rẻ lớn nhất châu Á.

Từ bỏ tham vọng tại thị trường Việt Nam, ông Fernandes chuyển hướng sang nghiên cứu lập các liên doanh hàng không ở Campuchia, sau đó là Trung Quốc và Myanmar.

"Tôi thích Campuchia, Trung Quốc và Myanamar", CEO của AirAsia chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Nikkei Asian Review. Ông cho biết thêm rằng ông đang tìm kiếm một đối tác tại Campuchia.

Luật của Campuchia không giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong hãng hàng không nhưng lại yêu cầu các hãng bay mới phải đầu tư 30 triệu USD vào quốc gia này trong ba năm hoạt động đầu tiên, không kể đầu tư vào tàu bay.

Campuchia đang nổi lên là một điểm thu hút du lịch và do vậy được một số hãng bay do Trung Quốc hậu thuẫn để ý tới.

Sân bay Quốc tế Siem Reap gần thủ đô Phnom Penh là một trong những sân bay tất bật nhất Đông Nam Á. Năm ngoái, sân bay Siem Reap đón 4,5 triệu lượt hành khách do nhu cầu đến thăm khu đền Angkor Wat gần đó tăng cao.

AirAsia có các hãng hàng không liên doanh tại Indonesia và Thái Lan là đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Liên doanh tại Philippines dự kiến sẽ niêm yết vào năm sau.

Theo qui định của Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của một hãng hàng không trong nước. Theo Nghị định số 89/2019 mới được ban hành và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại được nâng lên thành 34%.

Lần hợp tác thất bại gần đây nhất của AirAsia tại Việt Nam là vào tháng 4 năm nay khi hãng bay Malaysia này ra thông cáo: "Chúng tôi muốn thông báo rằng công ty con của chúng tôi là AirAsia Investment - Gumin và Công ty Hải Âu (công ty con của Tập đoàn Thiên Minh) đã đồng ý chấm dứt và giải phóng mọi nghĩa vụ có liên quan đến thỏa thuận thành lập liên doanh tại Việt Nam".

Trái ngược với phát biểu của ông Fernandes khi trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review mới đây, vào tháng 4 AirAsia vẫn khẳng định quan tâm đến việc vận hành một hãng bay giá rẻ tại Việt Nam vì các yếu tố như vị trí địa lí thuận lợi và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Năm 2010, AirAsia từng nỗ lực thành lập liên minh với hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Việc hợp tác không thành do gặp phải sự phản đối của Vietnam Airlines và Cục Hàng không cũng khuyến nghị Vietjet Air phải là hãng hàng không có thương hiệu riêng, không được nhầm lẫn với bất kì hãng nào khác, nhất là hãng nước ngoài.

Năm 2007, AirAsia từng kí kết thỏa thuận với Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về việc thành lập hãng hàng không liên doanh. Theo đó, AirAsia sẽ góp tối đa 30% vốn còn Vinashin sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để thành lập hãng bay. Tuy nhiên khi đó chính phủ không đồng ý cấp phép bay.

Nếu tính cả lần muốn tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines năm 2005, AirAsia đã 4 lần thất bại ở Việt Nam. Khi đó, người thắng trong cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines là hãng hàng không Qantas Airways của Australia. Sau đó Pacific Airlines đổi tên thành Jetstar Pacific, do Qantas sở hữu 30% vốn.

Song Ngọc