|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sau 30 năm, cơn ác mộng chứng khoán Mỹ năm 1987 có lặp lại?

19:00 | 19/10/2017
Chia sẻ
Đúng 30 năm sau ngày thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ vào năm 1987, giá cổ phiếu nước này hiện đang ở mức cao kỷ lục nhưng nhà đầu tư lo ngại việc thị trường được định giá quá cao có thể là dấu hiệu của một đợt điều chỉnh đang đến gần, dù lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế đều khả quan.
con ac mong chung khoan my nam 1987 co lap lai

Các giao dịch viên trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). (Nguồn: Brendan McDermid/Reuters)

Liệu “Ngày thứ Hai đen tối” có lặp lại? Công nghệ giao dịch hiện đại, cách vận hành thị trường và quản lý quỹ đầu tư cũng thay đổi, nên rất khó có thể xảy ra một cuộc sụp đổ thị trường tương tự như năm 1987. Tuy nhiên, các giao dịch viên thận trọng vẫn không loại trừ khả năng này.

“Chúng ta đã rút ra được nhiều bài học từ những lỗi lầm trong quá khứ khi nói về cách phản ứng cũng như làn sóng phản ứng thái quá của thị trường”, Ken Polcari, giám đốc bộ phận giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) của hãng O’Neil Securities, nhận định.

Vào thứ Hai ngày 19/10/1987, sau khi thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á đồng loạt lao dốc vào tuần trước đó, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) cũng giảm mạnh 508 điểm, tương đương mức giảm 22,6%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử.

Ngày nay, khả năng thị trường giảm đến 20% trong một ngày vẫn có thể xảy ra, nhưng nó sẽ diễn ra có trình tự hơn, theo Art Hogan, chiến lược gia trưởng của Wunderlich Securities tại New York.

“Chúng ta có thể tạm dừng giao dịch trong một khoảng thời gian để đánh giá, tìm ra cách tối ưu để tiếp tục giao dịch và có những nhận định tỉnh táo hơn về mọi thứ”, ông cho biết.

Ứng phó với đà lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ khi đó, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) sử dụng các lệnh tạm dừng giao dịch trên toàn thị trường vào thời điểm chỉ số Dow Jones giảm lần lượt 10%, 20% và 30%. Kể từ đó, chỉ có một lần biện pháp này được áp dụng trên toàn thị trường, đó là vào năm 1997.

Đến năm 2012, SEC điều chỉnh ngưỡng cần thiết để kích hoạt lệnh tạm dừng giao dịch và đưa chỉ số S&P 500 lên làm chỉ số cơ bản, thay cho Dow Jones.

Theo đó, nếu chỉ số S&P 500 giảm hơn 7% trước 15h25 giờ New York, giao dịch sẽ bị tạm ngưng trong 15 phút. Lệnh tạm ngừng giao dịch sẽ được áp dụng lần hai nếu thị trường tiếp tục giảm sau khi mở cửa trở lại, với mức giảm lên tới 13%; trong trường hợp sau 15h25 thì giao dịch vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên, nếu mức giảm lên đến 20%, giao dịch sẽ tạm ngưng đến hết phiên mà không cần xét đến thời gian.

“Ngành chứng khoán đã đi một chặng đường rất dài kể từ năm 1987”, Larry Tabb, người đứng đầu hãng tư vấn thị trường vốn TABB Group, cho biết.

Nhiều giải pháp kiểm soát biến động thị trường hiện đang được áp dụng sau vụ sụp đổ chớp nhoáng vào tháng 5/2010. Khi đó, chỉ số DJIA mất gần 1.000 điểm, tương đương 9%, chỉ trong vòng vài phút trước khi phục hồi nhanh chóng trở lại.

SEC đã phê chuẩn một quy định vào năm 2012 mang tên “Giới hạn trên, giới hạn dưới” nhằm ngăn chặn tình trạng cổ phiếu được giao dịch ngoài giới hạn cho phép và tạm ngưng giao dịch khi giá cổ phiếu vượt ngoài giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, sau một phiên giao dịch hỗn loạn vào tháng 8/2015, giới lập pháp Mỹ và các sàn giao dịch chứng khoán buộc phải điều chỉnh lại khoảng giới hạn này cũng như quy trình tái giao dịch sau lệnh tạm ngưng. Khi đó, những lo ngại về kinh tế Trung Quốc đã dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu; và hậu quả là, chỉ số Dow Jones giảm mạnh kỷ lục trong một ngày.

Chỉ trong ngày hôm đó, hơn 1.250 giao dịch của 455 cổ phiếu bị tạm dừng và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đã gây hỗn loạn và làm tình hình thêm phức tạp, dẫn đến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

Các biện pháp an toàn hiện nay có thể ngăn chặn một vụ sụp đổ tương tự như năm 1987, nhưng trong bối cảnh chỉ số Dow Jones vừa đạt mốc kỷ lục 23.000 điểm vào ngày 18/10 và sự xuất hiện của công nghệ giao dịch tự động tốc độ cao, nhiều giao dịch viên vẫn chưa hoàn toàn yên tâm.

Trường Giang