|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Saplastic phá sản, khoản cho vay gần 740 tỉ của các ngân hàng như đang trên đống lửa

15:18 | 31/03/2020
Chia sẻ
Các ngân hàng cho vay Saplastic có lẽ đang như ngồi trên đống lửa vì công ty này đang thực hiện các thủ tục phá sản, thậm chí tài sản đảm bảo là hàng tồn kho đã bốc hơi phần lớn.

Cuối năm 2019, Tòa án nhân dân TP HCM đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Bao bì nhựa Sài Gòn (Saplastic - Mã: SPP).

Quyết định này được đưa ra sau khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Sản Xuất Thương Mại Tân Việt Sinh (Tavisco), đồng thời thấy có các căn cứ chứng minh Saplatic mất khả năng thanh toán. 

Saplastic tiền thân là Công ty TNHH Bao Bì Nhựa Sài Gòn thành lập từ năm 2001. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bao bì màng ghép phức hợp, bao bì nhựa, bao bì giấy và bao bì kim loại.

Đến năm 2007, Saplastic chuyển đổi sang hình thức Công ty cổ phần. Sau đó một năm, cổ phiếu của công ty niêm yết trên sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán SPP. Trong quá trình hoạt động, đơn vị này tăng vốn từ mức 35 tỉ (năm 2008), lên 251 tỉ đồng như hiện tại.

Trong nhiều năm, doanh thu của Saplastic liên tục tăng trưởng, vượt mốc 1.000 tỉ đồng năm 2017; tuy vậy lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt trên 20 tỉ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 cho thấy kết quả kinh doanh của công ty này sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể doanh thu chỉ đạt 255 tỉ đồng, giảm 77%; lỗ tới 720 tỉ đồng. Đáng nói đây cũng là lần đầu tiên Saplastic thua lỗ kể từ thời điểm lên sàn. 

SPP trên bờ vực phá sản, khoản nợ 700 tỉ đồng của các ngân hàng liệu có thể thu hồi? - Ảnh 2.

Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của Saplastic còn lại 425 tỉ đồng, bốc hơi gần một nửa so với đầu năm. 

Báo cáo kiểm toán nhấn mạnh, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn số tiền 618 tỉ đồng, lỗ lũy kế 690 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 438 tỉ đồng. Hoạt động của công ty phụ thuộc khả năng sinh lời trong tương lai và tiếp tục đầu tư vốn của chủ sở hữu. 

Nợ phải trả cuối kì 864 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 847 tỉ đồng, khoảng 736 tỉ đồng trong số này là nợ vay. 

Báo cáo tài chính cho thấy, hai chủ nợ lớn nhất của Saplastic là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa với gần 400 tỉ đồng và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) Chi nhánh Sài Gòn với gần 130 tỉ đồng.

Ngoài các ngân hàng trên, công ty này còn vay hàng chục tỉ đồng từ một số ngân hàng khác như Agribank, HDBank, Indovina, PVcomBank và các cá nhân.

Trong đó, khoản vay của BIDV và Agribank có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng nhà đất, máy móc thiết bị. Các khoản vay ngân hàng khác đảm bảo bằng hàng tồn kho luân chuyển.

Tuy vậy, tại thời điểm cuối năm 2019, giá trị hàng tồn kho ghi trong sổ sách của Saplastic chỉ còn lại gần 98 tỉ đồng, giảm 381 tỉ đồng so với đầu năm. 

Lí giải của ban giám đốc công ty, việc thanh lí hàng tồn kho, công cụ dụng cụ kém phẩm chất theo đánh giá của HĐQT làm lỗ 513 tỉ đồng. Ngoài ra việc kết chuyển chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng làm công này lỗ thêm 126 tỉ đồng nữa. 

Như vậy, với tình hình tài sản hiện tại, nhiều khoản vay của các ngân hàng tại Saplastic có nguy cơ bốc hơi.

Trong ý kiến ngoại trừ, kiểm toán viên cho biết Saplastic chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay phải trả các ngân hàng trong năm 2019 giá trị hơn 56 tỉ đồng, điều này có thể dẫn đến việc số lỗ thực tế còn lớn hơn. Trong văn bản gửi lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước, công ty này cho biết đang cũng các tổ chức tín dụng thương lượng và chưa thống nhất về số lãi vay.

Saplatic phá sản, khoản cho vay gần 740 tỉ của các ngân hàng có thể không cánh mà bay - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu SPP trong vòng 1 năm. Nguồn: VNDirect

Thanh Tùng