|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sáng nay, Chính phủ họp xử lý kiến nghị của Bamboo Airways

11:30 | 12/12/2023
Chia sẻ
Bamboo Airways đang phải đối mặt với những khó khăn về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tái cấu trúc.

Sáng 12/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ chủ trì cuộc họp để xử lý các kiến nghị của Bamboo Airways.

Cuộc họp có sự tham dự của các Bộ Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải - GTVT, Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV; UBND TP HCM và Bamboo Airways.

Trong văn bản kiến nghị được Bamboo Airways gửi tới Chính phủ vào cuối tháng 11/2023, hãng hàng không này cho biết những khó khăn về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của hãng trong giai đoạn tái cấu trúc và định hướng phát triển.

Đồng thời, hãng cũng nêu ra các kiến nghị liên quan đến việc tháo gỡ các khó khăn về vốn, xử lý công nợ với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cảng hàng không - sân bay, các nhà cung cấp nhiên liệu bay và dịch vụ phục vụ mặt đất…

Ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không được bổ nhiệm giữ chức vụ CEO Bamboo Airways kể từ tháng 10/2023. (Ảnh: Bamboo Airways).

Trước đó, tại một cuộc phỏng vấn sau khi giữ chức vụ CEO Bamboo Airways, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực hàng không khẳng định Bamboo Airways không có ý định, kế hoạch phá sản như thông tin đồn đoán.

"Nếu Bamboo Airways bị phá sản, các hãng hàng không Việt Nam khác sẽ khó khăn hơn trong các hoạt động thuê, mua máy bay, thu xếp tín dụng quốc tế do các quan ngại về rủi ro. Ngành hàng không Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tại các sân bay, như xăng dầu, suất ăn, phục vụ mặt đất… đồng thời là chủ nợ của hãng cũng bị ảnh hưởng", CEO Bamboo Airways nói.

Ông Nam cũng chia sẻ về đề án tái cấu trúc của Bamboo Airways. Theo đó, hãng sẽ điều chỉnh cho phù hợp với mô hình kinh doanh mới, đối tượng khách hàng mới. Về quản trị điều hành Bamboo Airways sẽ thay đổi toàn diện theo hướng gọn nhẹ, nhanh nhạy hơn.

Bamboo Airways sẽ không bay bất kỳ đường bay nội địa, quốc tế nào không mang lại lợi nhuận, nếu chưa có lãi ngay thì ít nhất cũng phải có cơ hội có lãi sau một thời gian ngắn.

"Việc chúng tôi tạm ngừng khai thác các đường bay nội địa đi Phú Quốc vừa qua cũng nhất quán với quan điểm kinh doanh này. Trả bớt máy bay, ngừng khai thác các đường bay quốc tế gây lỗ lớn, cơ cấu lại mạng đường bay nội địa đã giúp giảm áp lực tài chính đối với Bamboo Airways rất nhiều", tân CEO Bamboo Airways nói.

Số tiền phải thanh toán hằng tháng cho máy bay thuê, bảo dưỡng máy bay, xăng dầu, phục vụ mặt đất, suất ăn… bây giờ đã ít hơn nhiều lần so với trước đây, giúp chúng tôi về cơ bản thực hiện được cam kết không phát sinh nợ mới với các chủ cho thuê máy bay và các nhà cung cấp dịch vụ hiện tại.

"Chúng tôi đã được miễn, giảm gần 2.000 tỷ đồng nợ tiền thuê máy bay thông qua đàm phán trả sớm một số máy bay. Điều này giúp số nợ phải trả trong tương lai giảm đi đáng kể, các đối tác là chủ nợ còn lại của Bamboo Airways sẽ được trả nợ sớm hơn", ông Nam cho hay.

Theo thông tin mới nhất, Bamboo Airways đã trả lại 19 máy bay, trong đó có 3 chiếc Boeing 787, để lại đội bay còn 11 máy bay do Airbus và Embraer sản xuất.

Tuy nhiên, ngày 11/12 hãng hàng không này đã ký hợp đồng thuê thêm hai tàu bay Airbus A320/A321 và bổ sung vào đội tàu bay khai thác tngày 1/1/2024tăng trên 20% tải cung ứng phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.  

Theo kế hoạch, trong năm 2024, Bamboo Airways sẽ tiếp tục thuê thêm tàu bay A320/A321, nâng đội tàu bay khai thác lên 15 – 18 chiếc và đặt mục tiêu khôi phục đội bay gồm 30 chiếc trong vòng 3 - 4 năm tới.

Hạ An