|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO Lương Hoài Nam: Bamboo Airways dự kiến nâng lại đội bay lên 30 chiếc trong vòng 3-4 năm tới

14:50 | 28/11/2023
Chia sẻ
Bamboo Airways hiện đang sở hữu đội bay còn 11 máy bay do Airbus và Embraer sản xuất.

 Ảnh: Linh Pham/Bloomberg.

Trong một bài phỏng vấn với Bloomberg, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc của Bamboo Airways cho biết trước đây Bamboo Airways khai thác 66 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế nhưng hiện chỉ bay thuê chuyến quốc tế và 16 đường bay nội địa.

Ông Nam cũng chia sẻ thêm rằng với việc số chuyến bay giảm dần và dư nợ lớn, hãng hàng không này đã chấm dứt hợp đồng với các phi công nước ngoài và sẽ cắt giảm khoảng 60% chi phí lực lượng lao động vào cuối tháng 3/2024. Hãng đã đạt thoả thuận trả lại tiền cho một số phi công nước ngoài vẫn còn nợ lương.

Bamboo Airways đã trả lại 19 máy bay, trong đó có 3 chiếc Boeing 787, để lại đội bay còn 11 máy bay do Airbus và Embraer sản xuất.

 Chi tiết đội tàu bay của Bamboo Airways. (Nguồn:Planespotters).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hãng sẽ chỉ sử dụng máy bay Airbus và đặt mục tiêu trở lại đội bay 30 chiếc trong vòng 3-4 năm tới. 

Trước đó, Bamboo Airways cùng lúc vận hàng máy bay của cả ba nhà sản xuất gồm: Airbus, Boeing và Embraer. Do sự khác biết về kỹ thuật, Bamboo Airways sẽ phải tốn thêm chi phí thuê nhân sự kỹ thuật, phi công, giáo viên đào tạo cho riêng từng loại máy bay. 

Tàu bay Embraer là dòng máy bay phản lực cỡ vừa, được Bamboo Airways dùng để khai thác các đường bay ngách, kết nối các nơi có sân bay đặc biệt như Côn Đảo, Rạch Giá, Điện Biên, Cà Mau.… Hiện chưa có hãng hàng không nào khai thác bằng dòng máy bay này. 

Cuối tháng 9, lãnh đạo hãng này thông tin đã hoàn thành việc tái cơ cấu mạng bay sau hai tháng, trong đó tập trung vào việc cắt giảm một số đường bay và giảm tần suất bay ở các tuyến không hiệu quả. Sau đó hãng đã tiếp tục tái cơ cấu đội tàu bay nhằm tiết giảm chi phí vận hành.

Có thể xem xét bán cổ phần giai đoạn 2024 - 2028

CEO Bamboo Airways cũng cho hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - chủ nợ của hãng này cũng đang tìm cách đầu tư vào Bamboo Airways và giúp tái cấu trúc hãng bay này.

Cổ phần tối đa mà Sacombank có thể nắm giữ là 11% theo Luật các tổ chức tín dụng và sẽ cần có sự chấp thuận của ngân hàng nhà nước song ông Nam cũng không tiết lộ chi tiết về thời gian.

Sau khoản đầu tư của Sacombank, Bamboo Airways sẽ tìm kiếm một số hỗ trợ tài chính khác như vay ngân hàng, trái phiếu,…

Hãng bay này cũng đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước và có thể xem xét bán cổ phần trong giai đoạn 2024 - 2028. Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ tối đa 34% vốn của một hãng hàng không trong nước.

Người đứng đầu ban điều hành của hãng tái khẳng định: “Chúng tôi không có ý định nộp đơn xin phá sản. Bên cạnh đó, các chủ nợ của chúng tôi - bao gồm cả ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ đều muốn Bamboo Airways tiếp tục kinh doanh”.

   Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính của Bamboo Airways.          

 

Hoàng Kiều