|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bài toán tái cơ cấu của Bamboo Airways và sự giải cứu của Sacombank

22:30 | 03/10/2023
Chia sẻ
Sự đồng hành của Sacombank cùng ông Dương Công Minh đang được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mình cho Bamboo Airways tương tự câu chuyện của ngân hàng này sau khi về tay ông Minh.

Đầu năm 2019, hãng hàng không Bamboo Airways của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt đã thực hiện chuyến bay đầu tiên sau 1,5 năm thành lập.

Song đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020 - 2021 đã khiến Bamboo Airways phải chật vật. Đặc biệt, năm 2022, sự kiện ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đồng thời là cựu Chủ tịch Bamboo Airways bị bắt đã khởi đầu cho chuỗi ngày biến động thượng tầng ở hãng này.

Những biến động thượng tầng về cơ cấu cổ đông và nhân sự cấp cao trong vòng hơn một năm qua chưa dứt trong bối cảnh sức khoẻ suy yếu hậu COVID-19 đã khiến hãng từng vướng vào tin đồn phá sản. 

Chiến lược tái cơ cấu

Cuối tháng 9, lãnh đạo hãng này thông tin đã hoàn thành việc tái cơ cấu mạng bay sau hai tháng, trong đó tập trung vào việc cắt giảm một số đường bay và giảm tần suất bay ở các tuyến không hiệu quả.

Bamboo Airways ra đời khi "miếng bánh" đang chủ yếu nằm trong tay Vietjet - hãng hàng không giá rẻ và Vietnam Airlines - định vị là một hãng 4 sao. Để cạnh tranh và gia tăng được thị phần, hãng này đã lựa chọn chiến lược đường bay ngách - vốn là một phân khúc bị bỏ ngỏ như Côn Đảo, Rạch Giá, Điện Biên, Cà Mau,... 

Nhu cầu của khách nội địa ở các đường bay ngách thường tăng trưởng nóng vào các dịp cao điểm như hè, lễ, Tết, còn lại tương đối vắng khách. Do đó, khi khai thác các đường bay ngách, hầu hết các hãng đều phải bù lỗ.

Chia sẻ với Báo Chính phủ, đại diện Bamboo Airways thông tin: "Thực tế hiện nay một máy bay E190 bay đến sân bay Cà Mau có sức chứa 98 hành khách. Do hạn chế về sức chịu tải của đường băng tại sân bay Cà Mau, hãng bay không thể khai thác tối đa tải trọng của phản lực. Việc phải khai thác với nhiều ghế trống trên máy bay ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của hãng".

 

Chi phí nhiên liệu, thuế phí, nhân công… không thay đổi khiến hãng đang phải bù lỗ cho mỗi chuyến bay, dù bán hết vé. Dẫn đến nghịch lý càng bay, thì hãng càng lỗ. Mặc dù đường bay ngách Hà Nội – Cà Mau có tỷ lệ đặt chỗ cao và rất cao vào mùa cao điểm. Hết thời gian được phép khai thác vượt tải vào tháng 7/2023 vừa qua, đường lăn sân bay Cà Mau vẫn chưa được hoàn thành để hãng khai thác đúng tải trọng.

Đại diện Bamboo Airways

Qua đó có thể thấy việc cắt giảm một số đường bay và giảm tần suất bay ở các tuyến không hiệu quả thời điểm này có thể giúp Bamboo Airways cải thiện được "sức khoẻ".

Với tần suất khai thác mạng bay mới, hãng đánh giá sẽ không hợp lý khi để dư thừa nguồn lực máy bay, làm tăng chi phí thuê tàu nên Bamboo Airways tiếp tục có kế hoạch tái cơ cấu đội tàu bay từ tháng 10. Vì vậy, Bamboo Airways tái cơ cấu để làm sao có một đội bay thống nhất về cấu hình đến thương mại, phù hợp với mục tiêu định vị.

Hiện Bamboo Airways đang cùng lúc vận hàng máy bay của cả ba nhà sản xuất gồm: Airbus, Boeing và Embraer. Do sự khác biết về kỹ thuật, Bamboo Airways sẽ phải tốn thêm chi phí thuê nhân sự kỹ thuật, phi công, giáo viên đào tạo cho riêng từng loại máy bay. 

Theo dữ liệu trên trang Planespotters, Bamboo Airways hiện đang khai thác 22 tàu bay, giảm 8 chiếc so với hồi đầu năm nay. Số máy bay này theo đại diện hãng từng chia sẻ là đang trong thời gian bảo dưỡng.

Trong đó, hãng sở hữu 11 chiếc Airbus A320, 5 chiếc Airbus A321, 2 Boeing 787 Dreamliner, 4 chiếc Embraer ERJ-190.

Tàu bay Embraer là dòng máy bay phản lực cỡ vừa, được Bamboo Airways dùng để khai thác các đường bay ngách, kết nối các nơi có sân bay đặc biệt như Côn Đảo, Rạch Giá, Điện Biên, Cà Mau.… Hiện chưa có hãng hàng không nào khai thác bằng dòng máy bay này. 

 Máy bay phản lựcEmbraer của Bamboo Airways. (Ảnh: Bamboo Airways).

Loạt khó khăn bủa vây

Không chỉ tái cơ cấu về mạng bay, đội bay mà tình hình tài chính của Bamboo Airways cũng cần một kế hoạch tái cơ cấu.

Theo thông tin trên báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2022, Bamboo Airways lỗ sau thuế kỷ lục 17.619 tỷ đồng do tăng mạnh khoản dự phòng khoản phải thu khó đòi. Trong đó,chỉ có khoảng 4.800 tỷ đồng là lỗ thực từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Còn lại phần lớn xuất phát từ hoạt động kinh doanh ngoài ngành hàng không nhưng không hiệu quả trong giai đoạn trước khi có nhà đầu tư mới tham gia.

Tính đến cuối 2022, công ty chỉ còn 82 tỷ đồng tiền mặt. Bên cạnh đó, công ty đầu tư vào chứng khoán gần 6.308 tỷ đồng (không được thuyết minh cụ thể).

Khoản phải thu đang chiếm dụng lớn lượng vốn của công ty khi ghi nhận tại ngày 31/12/2022 là 13.318 tỷ đồng, trong đó phải trích lập dự phòng khoản khó đòi 9.692 tỷ. Cuối năm ngoái, hãng bay này vay tổng cộng 10.623 tỷ đồng.

Kinh doanh bết bát, vốn lưu động âm 6.900 tỷ, nguồn tiền đọng ứ ở các khoản phải thu trong khi vay nợ lớn đã báo động về tình hình tài chính của Bamboo Airways.

Cuối tháng 7, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank thông tin: "Mỗi tháng, dòng tiền từ Bamboo Airways qua tài khoản Sacombank vẫn dao động từ 1.000 đến 1.500 tỷ, khả năng trả nợ vẫn đảm bảo. Mặt khác, các khoản vay của Bamboo Airways đều có tài sản đảm bảo nên kể cả trong trường hợp xấu nhất Sacombank vẫn có thể chủ động trong phương án thu hồi nợ vay, hạn chế rủi ro cho ngân hàng".

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính của Bamboo Airways.          

Ngoài ra, giá dầu leo thang cũng đang gây một áp lực lên hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không. Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam (VABA) từng thông tin giá xăng chiếm tới 30-40% tổng chi phí của các hãng hàng không.

Năm 2022, giá xăng tăng đột biến đã khiến các hãng hàng không lao đao. Trong bối cảnh, sức khoẻ của doanh nghiệp hàng không chưa phục hồi sau đại dịch thì giá dầu leo thang sẽ gây thêm áp lực tài chính cho hãng.

Diễn biến giá dầu Brent từ đầu năm tới ngày 3/10: Kể từ cuối tháng 6 tới ngày 3/10, giá dầu Brent tăng bình quân khoảng 25%, có thời điểm vượt 95 USD/thùng. (Nguồn: nasdaq.com).

Bên cạnh đó, sự thiếu ổn định trong bộ máy quản trị thông qua những biến độ nhân sự cấp cao ở HĐQT và ghế Tổng Giám đốc của Bamboo Airways cũng đang là một rào cản trong công cuộc tái cơ cấu của hãng hàng không.

Sự giải cứu của Sacombank

Những tin đồn về sự xuất hiện của Sacombank - chủ nợ của hãng bay và nhóm ông Dương Công Minh - Chủ tịch ngân hàng này đã xuất hiện từ năm ngoái. Nhiều đồn đoán cho rằng nhóm nhà đầu tư mới đã thâu tóm hãng hàng không này sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt. 

Tháng 8/2022, ông Dương Công Minh làm cố vấn HĐQT Bamboo Airways. Tới tháng 3/2023, lãnh đạo hãng bay này cho biết đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho cổ đông cũ là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan. Nhà đầu tư mới này ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 6, lãnh đạo doanh nghiệp thông tin ông Lê Thái Sâm - Chủ tịch đương nhiệm, đã cho Bamboo Airways vay hơn 8.000 tỷ đồng trong gần một năm. 

Cũng tại buổi họp này, ông Phan Đình Tuệ - thành viên HĐQT Sacombank chính thức tham gia HĐQT Bamboo Airways.

Nhiều đồn đoán về nhóm đứng sau ông Lê Thái Sâm dần lộ rõ hơn ở buổi họp bất thường tháng 9 với sự tham gia của loạt lãnh đạo cấp cao Sacombank, trong đó có bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc ngân hàng.

Phía Sacombank cũng chính thức lên tiếng đang xúc tiến các thủ tục đầu tư vào Bamboo Airways.

 

Hiện Sacombank đang làm các bước trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tham gia đầu tư vào Bamboo Airways. Chủ trương đã có tuy nhiên cần sự phê duyệt của cơ quan chức năng, ngân hàng này đang xúc tiến các hoạt động để làm việc với các cơ quan chức năng để đầu tư vào Bamboo Airways

Ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT Bamboo Airways

Trao đổi với người viết, Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết với một tổ chức tín dụng chỉ cần đáp ứng điều kiện không sở hữu vượt quá 11% vốn của một dự án hay một công ty. 

Hiện Sacombank vẫn đang trong tiến trình tái cơ cấu và dự kiến sẽ kết thúc trong năm nay. Luật sư Hải thông tin: "Kể cả trong lúc đang thực hiện tái cấu trúc mà việc góp vốn vào Bamboo Airways nhằm đảm bảo các rủi ro tín dụng hoặc nằm trong phương án mà ngân hàng kiểm soát được khía cạnh lợi ích thì đó là quyền của ngân hàng. 

SSI Research thông tin, tính đến hết quý II/2023, dư nợ tín dụng của Bamboo Airways tại Sacombank là 3.000 tỷ đồng.

"Với góc độ chủ nợ muốn tăng cường kiểm soát con nợ thì đây có thể coi là một phương án bảo toàn vốn", Luật sư Hải nói thêm.

Việc gia nhập chính thức của Sacombank được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới tương tự câu chuyện của Sacombank dưới sự dẫn dắt của ông Dương Công Minh. Sự đồng hành này có thể giúp đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc, đặc biệt là những dòng vốn "tươi" cho hãng này trong bối cảnh khó khăn. 

Điều 129 về "Giới hạn góp vốn, mua cổ phần" của Luật các tổ chức tín dụng ban hành năm 2010 quy định:

1. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 103 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

2. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, Điều 103 về "Góp vốn, mua cổ phần" quy định: Việc góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại theo quy định phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận.

Hoàng Kiều