Tổng Giám đốc Sacombank: Dòng tiền từ Bamboo Airways qua tài khoản ngân hàng khoảng 1.000 - 1.500 tỷ mỗi tháng, khả năng trả nợ vẫn đảm bảo
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang là ngân hàng đang có khoản cho vay và ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank cũng đang tham gia vào quá trình tái cơ cấu CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Liên quan tới những tin đồn về việc Bamboo Airways đệ đơn xin phá sản, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết năm 2021, Sacombank đã cho Bamboo Airways vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của hãng.
Bà Diễm khẳng định "việc cho vay này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN tại thời điểm đó là kích cầu du lịch, hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch COVID-19. Hoạt động cấp tín dụng cho hãng được thực hiện đúng quy định pháp luật cũng như quy định nội bộ của Sacombank".
"Hệ quả từ ảnh hưởng của dịch bệnh, việc thay đổi chủ sở hữu và những thay đổi gần đây trong bộ máy quản trị điều hành ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động của Bamboo Airways. Nhưng mỗi tháng, dòng tiền từ Bamboo Airways qua tài khoản Sacombank vẫn dao động từ 1.000 đến 1.500 tỷ, khả năng trả nợ vẫn đảm bảo. Mặt khác, các khoản vay của Bamboo Airways đều có tài sản đảm bảo nên kể cả trong trường hợp xấu nhất Sacombank vẫn có thể chủ động trong phương án thu hồi nợ vay, hạn chế rủi ro cho ngân hàng", Tổng Giám đốc Sacombank thông tin.
Chia sẻ thêm, bà Diễm cho hay: "Về ông Dương Công Minh, với bề dày kinh nghiệm trên thương trường và trong tái cơ cấu, việc ông đảm nhận vị trí cố vấn cấp cao Bamboo Airways trong giai đoạn khó khăn vừa qua của hãng là phù hợp".
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Phan Đình Tuệ, Thành viên HĐQT Bamboo Airways cho biết, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật trước đây của Bamboo Airways có ký một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo thực trạng khó khăn của Bamboo Airways và đề xuất Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ.
"Văn bản này do cá nhân Phó Chủ tịch thời điểm đó mong muốn báo cáo (khó khăn), chứ không phải nghị quyết của hội đồng quản trị. Hiện vị này cũng đã thôi làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Bamboo Airways.
Mục đích của văn bản chỉ báo cáo Thủ tướng để xin giải pháp, nhưng cách diễn đạt đã gây hiểu lầm. Đúng là Bamboo Airways có khó khăn thật nhưng công ty vẫn đang cố gắng tái cấu trúc, làm việc với đối tác để kêu gọi nhà đầu tư. Bamboo Airways cũng đang đàm phán với các chủ tàu xin gia hạn các khoản thanh toán đến hạn và họ cũng đồng ý do công ty hiện đang hoạt động tốt", ông Tuệ thông tin.
Tính tới cuối năm 2022, quy mô tài sản của Bamboo Airways giảm gần 8.900 tỷ đồng so với đầu năm về 18.007 tỷ đồng.
Tính đến cuối kỳ, công ty chỉ còn 82 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm mạnh so với mức 1.122 tỷ đồng đầu năm. Bên cạnh đó, công ty đầu tư vào chứng khoán gần 6.308 tỷ đồng (không được thuyết minh cụ thể).
Khoản phải thu đang chiếm dụng lớn lượng vốn của công ty khi ghi nhận tại ngày 31/12/2022 là 13.318 tỷ đồng, trong đó phải trích lập dự phòng khoản khó đòi 9.692 tỷ.
Cuối năm ngoái, hãng bay này vay tổng cộng 10.623 tỷ đồng, gấp 2,2 lần đầu năm và chiếm 56% tổng nợ phải trả. Trong năm qua, công ty đi vay tổng cộng 16.805 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 10.973 tỷ. Tổng chi phí lãi vay của hãng này là 544 tỷ đồng năm 2022.
Về tình hình kinh doanh, năm qua, Bamboo Airways lỗ sau thuế kỷ lục 17.619 tỷ đồng do tăng mạnh khoản dự phòng khoản phải thu khó đòi. Doanh thu gấp 3,3 lần so với 2021 đạt 11.732 tỷ đồng.