|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sang Mỹ làm việc sẽ khó hơn?

14:13 | 04/12/2016
Chia sẻ
Những tuyên bố của ông Donald Trump - Tổng thống đắc cử của Mỹ - về siết chặt chính sách nhập cư diện lao động lành nghề đang làm giấc mơ sang Mỹ lập nghiệp của các tài năng công nghệ nước ngoài xem ra sẽ khó khăn hơn.
sang my lam viec se kho hon
Mỗi năm chính phủ Mỹ cấp khoảng 65.000 visa H1-B cho các chuyên viên công nghệ nước ngoài đến Mỹ làm việc, song chương trình này có thể bị hạn chế hay hủy bỏ. Ảnh Internet

Từ khi được xác nhận đắc cử ngày 8-11 đến nay ông Donald Trump đã rút lại nhiều lời hứa, nhưng có một đề tài ông chẳng những không thay đổi ý kiến mà còn tỏ ra quyết đoán: phản đối chương trình cấp thị thực (visa) làm việc tạm thời cho người nước ngoài, gọi tắt theo ngôn ngữ luật pháp Mỹ là visa H-1B.

Tuyên bố ngày 21-11 của ông Trump đặt “yêu cầu Bộ Lao động điều tra tất cả các trường hợp lạm dụng chương trình visa gây tổn hại cho người lao động Mỹ” thành ưu tiên hàng đầu của ông trong ngày nhậm chức càng cho thấy quyết tâm của tân Tổng thống Mỹ trong việc xóa bỏ một trong những lý do mà theo ông đã làm cho người dân Mỹ thiếu công ăn việc làm. Đây là một tin không vui cho người lao động nước ngoài, cũng như cho sinh viên nước ngoài tại Mỹ.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nhiều ngành công nghệ trong nước, từ lâu Mỹ đã cho phép các công ty tuyển dụng nhân viên ở nước ngoài rồi đưa đến Mỹ làm việc, hoặc tuyển sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các đại học Mỹ, với điều kiện những người này có trình độ và kỹ năng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mà thị trường lao động Mỹ không cung ứng được. Những người lao động mang quốc tịch nước ngoài này được cấp visa H-1B, có giá trị từ 3-5 năm, được ra vào Mỹ nhiều lần, và được mang theo đến Mỹ vợ/chồng hoặc con cái dưới 21 tuổi. Những người này, sau thời gian làm việc bằng visa H-1B, thường tìm cách định cư lâu dài và trở thành công dân Mỹ.

Mỗi năm, Mỹ chỉ phát hành khoảng 65.000 visa H-1B, trong đó dành 20.000 visa cho những người tốt nghiệp thạc sĩ trở lên thuộc những ngành công nghệ tại các đại học Mỹ; phần còn lại hầu hết rơi vào tay các tập đoàn công nghệ thông tin Ấn Độ và Hàn Quốc.

Các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Ấn Độ như Infosys, Wipro, Tata Consultancy Services (TCS) từ lâu vẫn đưa các kỹ sư và chuyên viên lành nghề tới Mỹ theo chương trình visa H-1B để phục vụ các khách hàng Mỹ - thị trường nước ngoài lớn nhất của họ. Hãng Reuters cho biết, từ năm 2005- 2014, chỉ riêng ba công ty nói trên đã đưa vào Mỹ hơn 86.000 nhân viên theo chương trình visa H-1B.

Nhưng nhiều nguồn tin khác nói rằng con số thực cao hơn rất nhiều, dẫn tới sự hiện diện đông đảo các kỹ sư, nhà quản lý Ấn Độ tại Thung lũng Silicon, bang California; từ đó nổi lên những gương mặt tài năng như Sundar Pichai của Google hoặc Satya Nadella của Microsoft. Gần đây, một số công ty Mỹ đã đến Việt Nam tuyển dụng kỹ sư phần mềm, đưa sang Mỹ làm việc theo chương trình visa H-1B để đa dạng hóa nguồn cung, thay vì chỉ tập trung tuyển người Ấn Độ.

Người lao động nhập cư có trình độ cao như vậy đã đóng góp rất lớn vào thành tựu công nghệ Mỹ; một nửa số doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ ở Mỹ là do những người nhập cư thành lập. Tuy nhiên, điều đó cũng gây khó chịu cho các chính trị gia bản xứ. Ông Steve Bannon chẳng hạn - người được ông Donald Trump chọn làm chiến lược gia chính - nhiều lần than phiền rằng ông không thể chấp nhận chuyện “có từ hai phần ba tới ba phần tư giám đốc điều hành (CEO) ở Thung lũng Silicon là người châu Á”.

Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người được ông Trump chọn làm bộ trưởng tư pháp, nổi tiếng là người chống đối gay gắt nhất chương trình visa H-1B; ông đã chủ trì soạn thảo một dự luật hạn chế chương trình này và yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder trước đây tiến hành điều tra việc lạm dụng chương trình để đưa vào Mỹ những người không đủ tiêu chuẩn. Quan điểm cứng rắn của ông Trump, cùng với sự hiện diện của các ông Sessions, Bannon trong guồng máy hành pháp cấp cao của Mỹ là điềm báo không tốt.

Ít ai nghĩ rằng, chương trình visa H-1B sẽ bị hủy bỏ ngay vì nhiều công ty Mỹ vẫn phải dựa vào nguồn nhân lực công nghệ có trình độ cao từ nước ngoài; nhưng việc siết chặt, hạn chế chương trình này là không tránh khỏi. Các tập đoàn công nghệ Ấn Độ đang tính tới việc đầu tư thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ và tăng tỷ lệ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ thay vì đưa người từ Ấn Độ sang.

Việt Nam hiện có 21.000 sinh viên đang học tại Mỹ, khoảng một nửa trong số đó theo các ngành công nghệ. Nếu chương trình visa H-1B bị bãi bỏ hoặc hạn chế thì khả năng các em phải về nước sau khi học xong là khá lớn; cần có những doanh nghiệp, dự án công nghệ để thu hút nguồn nhân lực này.

Thái Bình

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.