Sản xuất càng tối giản, khởi nghiệp càng dễ thành công
Vũ Minh Trường là một nghiên cứu sinh tiến sĩ về lãnh đạo chiến lược tại Đại học James Madison ở Mỹ. Anh khẳng định chiến lược kinh doanh là bản đồ dẫn tới thành công của các doanh nghiệp.
"Vấn đề phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp thường rất bối rối và không biết bắt đầu từ đâu để xây dựng chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu áp lực phải có chiến lược thật mới, thật độc đáo để có thể cạnh tranh với những đối thủ lớn. Nhưng họ không biết thứ mới thường bắt nguồn từ những thứ rất cũ. Thực tế, chiến lược kinh doanh rất đơn giản và tôi thường dẫn dắt học viên của tôi với câu hỏi: Tại sao tôi phải mua hàng của bạn?”, anh Trường phát biểu.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Vũ Minh Trường tại Đại học James Madison (Mỹ). |
Anh đề cập tới 4 chiến lược kinh doanh cơ bản mà doanh nhân có thể áp dụng với mọi ngành, nghề, trong đó chiến lược đầu tiên là tập trung vào sản phẩm.
Tập trung vào sản phẩm là một trong những chiến lược kinh điển nhất trong quản trị học. Các nhà sản xuất tạo ra một sản phẩm với chất lượng tuyệt vời hoặc chất lượng vừa phải với một mức giá hấp dẫn để tạo lợi thế trong cạnh tranh về chất lượng và giá cả.
Người nổi tiếng nhất với chiến lược này chính là Henry Ford - ông vua xe hơi Mỹ. Ước mơ của ông là tạo ra xe hơi cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho tầng lớp quý tộc. Để tạo ra loại xe hơi rẻ nhất có thể, ông tối ưu hóa các bước trong quá trình sản xuất, sử dụng máy móc để sản xuất hàng loạt. Ông tối giản đến nỗi chiếc xe hơi chỉ có một kiểu dáng duy nhất, một màu duy nhất là màu đen. Câu nói nổi tiếng của ông là: “Bạn thích màu gì cũng được, miễn nó là màu đen.”
Kết quả của một dây chuyền sản xuất tối ưu chính là những chiếc xe hơi được sản xuất hàng loạt với giá 400 USD. Khi giá một cỗ xe ngựa thời đó là khoảng 1000 USD thì xe hơi Ford càn quét khắp nước Mỹ và không hề có đối thủ. Hiện nay, chiến lược của Henry Ford vẫn được các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản áp dụng để tạo nên những xe hơi chất lượng tốt mà giá cả phải chăng. Tất cả quy trình lắp rắp xe được hệ thống quá một cách cực kỳ chi tiết. Trong dây chuyền sản xuất, công nhân có 6 phút để lắp ghế xe. Nếu trong 6 phút mà công chưa lắp xong, toàn bộ đội nhóm phải họp để phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Kết quả là những mẫu xe hơi của Hàn Quốc và Nhật Bản tràn lan khắp tất cả các thị trường. Bất kỳ người tiêu bình dân nào cũng chọn xe Nhật hoặc Hàn vì chúng rẻ, bền, dễ sửa chữa.
Một cách khác để áp dụng chiến lược tối ưu sản phẩm, theo Trường, là tạo nên sản phẩm có chất lượng tuyệt vời, không thể so sánh như các mẫu xe hơi của Đức. Câu “Ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, lái xe Đức, ở nhà Tây” đã thể hiện rõ ngôi vương về chất lượng của xe hơi đến từ quốc gia này. Giá của xe Đức luôn cao nhưng độ an toàn lại đứng đầu.
"Tôi từng chứng kiến một chiếc xe Toyota va chạm với xe Đức. Chiếc Toyota thì vỡ tan tành trong khi chiếc Mercedes chỉ móp phần đầu. Người Đức tin rằng khách hàng từng trải nghiệm chất lượng tuyệt vời của BMW hay Mercedes sẽ trung thành với dòng xe đó. Nếu bạn gặp tai nạn mà chiếc xe hơi giúp bạn an toàn thì bạn sẽ dùng hãng xe đó cả đời. Giá xe ư? Không quan trọng. Nếu bạn có thể mua một chiếc BMW thì bạn cũng có thể mua lại một chiếc nữa", Trường lập luận.
Thời kỳ vàng son của chiến lược này là khi “trăm người bán, vạn người mua”. Nhưng khi mà sản phẩm đã hết khả năng để cải tiến, chi phí nghiên cứu quá lớn, mà tất cả người bán đều cạnh tranh về giá, nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải tìm ra một lợi thế cạnh tranh khác. Đó là: Tập trung vào khách hàng.