Sản lượng thịt heo của Việt Nam đứng thứ 6 thế giới
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo bền vững, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết cơ cấu thịt heo trong đàn vật nuôi của Việt Nam cao hơn trung bình chung của thế giới khoảng 20%.
Theo đó, giai đoạn 2019-2023, thịt heo chiếm 60 - 64% cơ cấu đàn vật nuôi của Việt Nam. Còn thế giới, tỷ trọng này là 41%.
Trong giai đoạn này, sản lượng thịt heo xuất chuồng tăng trưởng khá đều đặn. Năm 2019, sản lượng thịt heo xuất chuồng chỉ đạt 4,1 triệu tấn. Đến năm 2023, con số này nâng lên 4,5 triệu tấn, tăng gần 10% so với năm 2019.
Ông Đăng cho biết từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây, năm 2023 Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi heo đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt trên thế giới.
Năm 2023, chăn nuôi heo phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiến tiến gia tăng.
Do đó, thời điểm cuối năm 2023, tổng đàn heo đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu heo con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023 là năm có số đầu con heo cao nhất trong 5 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6%/năm trong giai đoạn 2019 - 2023.
Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng heo sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.
Cơ cấu nguồn cung thịt heo năm 2022 và 2023 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.
Mặc dù vậy, theo ông Đăng, hiện tại ngành chăn nuôi heo của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức.
Chăn nuôi heo vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Việt Nam cũng chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành chăn nuôi. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu.
Chi phí cho sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Giết mổ tập trung, công nghiệp không cạnh tranh được với giết mổ nhỏ lẻ dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá bán của người chăn nuôi