Hậu Giang: Cao điểm phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Sau khi xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã kiểm soát, khống chế không để mầm bệnh lây lan diện rộng. Các biện pháp phòng bệnh từ sớm được triển khai tăng cường tại các địa phương.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, từ ngày 3/7 đến nay, trên địa bàn thành phố Vị Thanh xảy ra 3 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 17 hộ chăn nuôi thuộc xã Hỏa Lựu (ngày 3/7) và xã Vị Tân (8/7) và phường III (ngày 18/7). Số lợn chết, tiêu hủy là 145 con, tổng trọng lượng gần 3 tấn. Đến nay, dịch bệnh đã qua 20 ngày, mầm bệnh được khống chế tốt, không lây lan diện rộng.
Sau khi xuất hiện các ổ dịch, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, rà soát tổng đàn. Đồng thời mở rộng tiêu độc sát trùng chuồng trại ở vùng đệm (các địa phương giáp ranh với thành phố Vị Thanh).
Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Chăn nuôi, Thú y-Thủy sản huyện Vị Thủy thông tin, huyện có trên 800 hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn trên 8.400 con. Tại 2 xã tiếp giáp với thành phố Vị Thanh là xã Vĩnh Thuận Tây và xã Vị Thủy, lực lượng chức năng đã thông tin nhanh tới người dân, cấp phát hóa chất, hướng dẫn và giám sát người chăn nuôi tự tiêu độc sát trùng chuồng trại, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên toàn huyện.
Ông Phan Văn Đởm, ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết, khi hay tin có ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở thành phố Vị Thanh, cán bộ thú y xã đã thông tin nhanh cho dân. Sau đó, phát hóa chất để hộ chăn nuôi tự tiêu độc khử trùng chuồng trại mỗi tuần 1 lần; gia đình còn kết hợp rải thêm vôi bột quanh chuồng trại, rãnh thoát nước để triệt tiêu mầm bệnh ở môi trường xung quanh.
Cán bộ thú y cũng phát tờ rơi tuyên truyền về triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nói rõ về đường lây truyền, các biện pháp phòng bệnh để người dân nắm bắt, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Từng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi năm 2018, giờ đây, ông Phan Văn Lâm ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang hết sức cảnh giác với dịch bệnh nguy hiểm này. Với ông, dù hiện nay dịch bệnh chưa xuất hiện trên địa bàn huyện, nhưng ông vẫn siết chặt các biện pháp phòng bệnh từ sớm, để tránh rủi ro.
Ông Phan Văn Lâm cho biết: “Tôi xử lý vôi bột và phun thuốc khử trùng chuồng trại mỗi tuần 1 lần. Để chăn nuôi an toàn, tôi thận trọng chọn mua con giống rõ nguồn gốc, lợn khỏe, tiêm phòng đủ bệnh. Trong quá trình nuôi, luôn giữ vệ sinh chuồng trại, không cho người lạ ra vào chuồng trong thời gian này."
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân thực hiện tốt khâu an toàn sinh học trong chăn nuôi, chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng. Thực hiện tốt khâu vệ sinh tiêu độc chuồng trại, tiêm phòng các bệnh thường xảy ra trên đàn lợn, nhất là vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân thực hiện 5 không: không giấu dịch, không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho lợn ăn.
Ông Trịnh Hùng Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y-Thủy sản, tỉnh Hậu Giang thông tin: Hiện nay, vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi đã có bán trên thị trường, tuy nhiên việc người dân tiếp cận để chủ động tiêm phòng bệnh cho vật nuôi còn ít. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với Sở Tài chính, xin chủ trương thực hiện rà soát, tiêm phòng cho đàn lợn thịt ở địa bàn vừa qua xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hướng dẫn, kiểm tra việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương. Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Ngoài ra, tăng cường thông tin, tuyên truyền đến hộ chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường các biện pháp hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn lợn. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch.
Song song đó, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Các ngành liên quan tăng cường kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.
Tỉnh Hậu Giang có tổng đàn lợn trên 146.000 con; trong đó, có trên 100.000 con lợn thịt. Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về phòng bệnh để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh.