Sản lượng thép Trung Quốc tháng 5 tiếp tục tăng, thị trường lo ngại tình trạng dư cung sẽ càng trầm trọng
Theo S&P Global Commodity Insights, sản lượng gang hàng ngày của Trung Quốc trong thời gian từ ngày 1/5 - 20/5 lần đầu tiên tăng trưởng so với cùng kỳ kể từ tháng 5/2021 trong khi sản lượng thép thô hàng ngày cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái, theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) công bố hôm 26/5.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, sản lượng thép tăng sẽ tiếp tục tác động lên giá vào tháng 6 và làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu do nhu cầu thép trong nước vẫn ảm đạm khi nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn mở cửa sau đại dịch.
Theo CISA, sản lượng gang và thép thô hàng ngày lần lượt đạt 2,6 triệu tấn và 3,1 triệu tấn từ ngày 1-20/5, lần lượt tăng 2,3% và 2% so với mức trung bình trong tháng 4.
Sản lượng gang của Trung Quốc trong 20 ngày đầu tháng 5 cao hơn 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi sản lượng thép thô vẫn thấp hơn 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nó đã cải thiện từ mức giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái được thấy vào tháng Tư.
Tính đến ngày 20/5, tồn kho thép thành phẩm tại các nhà máy thép và thị trường giao ngay do CISA giám sát đã tăng lên 32,06 triệu tấn, cao hơn 20,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nguồn tin cho biết, tồn kho thép tăng phản ánh nhu cầu thép trong cả lĩnh vực xây dựng và sản xuất đang phục hồi chậm do virus bùng phát.
Họ nói thêm rằng liệu sự phục hồi nhu cầu có đạt được tốc độ trong tháng 6 hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn khi các lệnh hạn chế di chuyển tiếp tục diễn ra ở các khu vực phát triển nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải.
Giá thép Trung Quốc đã chịu áp lực trong một thời gian do nguồn cung dư thừa.
Giá thép cây nội địa Trung Quốc giảm 8%, tương đương 412 nhân dân tệ/tấn (61 USD / tấn), từ đầu tháng 5 xuống 4.820 nhân dân tệ/tấn vào ngày 25/5, theo dữ liệu của S&P Global Commodity Insights.
Các nguồn tin thị trường cho biết một số nhà sản xuất thép bằng lò hồ quang điện bắt đầu giảm sản lượng từ khoảng giữa và cuối tháng 5 do họ phải đối mặt với thua lỗ, nhưng hầu hết nhà sản xuất thép tích hợp sử dụng lò cao liên hợp vẫn duy trì sản xuất ổn định.
Một nguồn tin cho biết: “Lỗ tại các nhà máy thép liên hợp nhìn chung vẫn quá nhỏ để dẫn đến việc cắt giảm sản lượng, và một số vẫn có lãi nhẹ”.
Trong khi đó, nhu cầu thép có thể không phục hồi mạnh trong tháng 6 do sự gián đoạn COVID-19 vẫn còn, nguồn tin cho biết.
“Cuối cùng, tôi nghĩ các nhà máy sẽ phải cắt giảm sản lượng để ngăn chặn tình trạng lỗ ngày càng gia tăng.”
Giá quặng sắt giao sau của Trung Quốc chạm mốc thấp nhất trong một tuần vào hôm 26/5 do nhu cầu ở hạ nguồn vẫn giảm sút, trong khi các nhà đầu tư lo lắng về những tín hiệu rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thu hẹp trong quý thứ II do ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19.
Theo Reuters, tại một cuộc họp quốc gia hôm 25/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết những khó khăn mà nước này đang gặp phải ở thời điểm hiện tại lớn hơn rất nhiều so với năm 2020, với một số chỉ số bắt đầu suy yếu mạnh kể từ tháng 3.
Ông cũng nói thêm Trung Quốc cần cố gắng đạt được mức tăng trưởng hợp lý trong quý thứ hai.
Các nhà phân tích của GF Futures viết trong một lưu ý: “Do lợi nhuận của các nhà máy thép tương đối thấp kèm theo lệnh hạn chế sản lượng của chính phủ và những bất lợi trong kinh tế vĩ mô, dư địa để tăng sản lượng thép của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ không còn nhiều”
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giao giảm tới 4,1% xuống 806 nhân dân tệ (120 USD) / tấn, thấp nhất kể từ ngày 19/5. Giá than luyện cốc tại Đại Liên giảm 0,7% xuống 2.473 nhân dân tệ / tấn và than cốc kỳ hạn giảm 0,2% xuống 3.256 nhân dân tệ / tấn.
Giá thép cuộn cán nóng giao sau, giảm nhẹ 0,1% xuống 4.632 nhân dân tệ / tấn.