Sản lượng thép Trung Quốc giảm hơn 10% trong quý I vì COVID-19
Theo Global Times, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết sản lượng thép của nước này giảm trong quý đầu tiên trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng và cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang.
Tuy nhiên, ngành thép có thể cải thiện trong thời gian tới khi chính phủ nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong quý đầu tiên, sản lượng sắt đạt 201 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời sản lượng thép giảm 10,5% xuống 243 triệu tấn, CISA cho biết.
Tiêu thụ thép của các ngành công nghiệp chính đã giảm 5%, trong đó ngành xây dựng giảm 7% và ngành sản xuất giảm 2%, theo CISA.
Nhập khẩu quặng sắt giảm 5,2% xuống 268 triệu tấn. Điều này phản ánh nhu cầu thị trường giảm trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt sau khi việc kiểm soát dịch bệnh được thắt chặt ở Đường Sơn, một trong những trung tâm sản xuất và thương mại thép lớn ở Trung Quốc, chiếm 20-30% tổng sản lượng quốc gia.
Theo số liệu của CISA, tính đến cuối tháng 3, giá quặng sắt nhập khẩu đạt 158,39 USD/tấn, tăng 33,2% so với đầu năm. Giá cao đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy thép giảm trung bình 25,8%.
Bất chấp những bất ổn, một số chuyên gia cho rằng ngành thép sẽ phục hồi mạnh do chính phủ đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và nối lại chuỗi cung ứng.
Với việc chính phủ tăng cường đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt, các rào cản về logistics đang dần được giải quyết.
Để đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường ổn định, các doanh nghiệp đang mở rộng nguồn nhập khẩu quặng sắt.
Bên cạnh đó, các nhà máy cũng tận dụng thêm nguồn thép thép phế liệu để làm nguồn nguyên liệu đầu vào đồng thời hỗ trợ chính phủ thực hiện các mục tiêu giảm carbon.
Động lực lớn nhất nằm ở việc gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng khoảng 8,5%, theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Các chuyên gia trong ngành nhận định có thể nhận thấy dễ dàng sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chính phủ và sức tăng trưởng này có thể tiếp tục được duy trì.
“Việc tiêu thụ thép trong xây dựng chiếm tới 30% tổng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đang có xu hướng gia tăng, điều đó chắc chắn tạo ra động lực cho thị trường thép hiện nay,” ông Qu Xiuli, Phó giám đốc CISA nhận định.
Ông Shi Hongwei, Phó tổng thư ký CISA, lạc quan cho rằng: “Đánh giá từ cơ cấu kinh tế công nghiệp quốc gia và tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản lượng và tiêu thụ thép năm nay về cơ bản giống như năm ngoái.”