Sản lượng thép trong nước tăng mạnh 30% trong 10 tháng qua
Bộ cho biết, ước tính riêng tháng 10 năm nay, sản xuất sắt thép thô tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 468,1 nghìn tấn. Sản xuất thép thanh, thép góc cũng tăng 1,5% lên 397 nghìn tấn.
Ước tính chung 10 tháng vừa qua, lượng sắt thép thô tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, lên 4196,7 nghìn tấn. Thép cán tăng 26%, lên hơn 4.290 nghìn tấn. Bên cạnh đó, thép thanh, thép góc đạt 3.907 nghìn tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ cho hay, sản lượng thép trong nước tiếp tục tăng trưởng khá cao nhờ Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép dài và phôi thép từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhờ nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi nên sản lượng và nhu cầu tiêu thụ thép dài vẫn ở mức khá cao.
Doanh số bán hàng và sản xuất các sản phẩm thép trong 10 tháng vừa qua cho thấy ngành thép hoàn toàn có khả năng đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cho các doanh nghiệp trong nước. Giá bán sản phẩm thép theo đó cũng được ổn định trong thời gian qua.
Ngoài ra, nhập khẩu thép về Việt Nam vẫn tăng mạnh trong tháng 10, ước tính tăng15% về lượng và 31% về giá trị. Ước tính chung 10 tháng qua, nhập khẩu thép các loại tăng 23,7% về lượng và tăng 4,9% về giá trị. Ngược lại, nhập khẩu sản phẩm từ thép giảm 27,7% về giá trị.
Trước đó, nhằm giảm nhập khẩu thép và tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất trong nước tăng sản xuất, Cục Quản lý canh tranh (QLCT) đã áp dụng mức thuế tự vệ chính thức đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam ở 23,3% và thép dài 15,4%.
Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh |
Cũng trong thời gian qua, Cục QLCT đã tiếp nhận hồ sơ đại diện cho ngành sản xuất thép trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép hình H nhập từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp đã cáo buộc sản phẩm của Trung Quốc cản trở đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Gần đây nhất, Cục QLCT đưa tin, Việt Nam sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai liên quan đến vụ điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với mặt hàng tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.