Sản lượng cà phê Việt Nam dự báo giảm do hạt nhỏ
Sản lượng dự báo giảm vì hạt cà phê nhỏ
Theo Bloomberg, nông dân trồng cà phê Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch mới, tuy nhiên họ lại phải đối mặt với mối lo là hạt cà phê nhỏ.
Một số vùng trồng cà phê robusta lớn ở Việt Nam đang gặp khó khăn trước vấn đề này khi quả cà phê không có hạt hoặc hạt nhỏ hơn bình thường. Đặc biệt là tại tỉnh Gia Lai, khu vực chiếm 15% tổng lượng cà phê trên cả nước, tình trạng hạt cà phê nhỏ hoặc không nhân càng phổ biến, theo Simexco DakLak Ltd, công ty xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Sản lượng cà phê Việt Nam dự báo giảm do hạt nhỏ |
Điều đáng lo ngại nhất là nếu như trước đây Việt Nam được dự báo sẽ có một vụ mùa 2018 - 2019 bội thu thì hiện nay, một số công ty đã hạ dự đoán sản lượng của mình.
Mặc dù vậy, việc hạ dự báo sản lượng cà phê có thể là một tin tốt đối với giá cà phê robusta vốn đang ở mức thấp. So với hồi tháng 5, giá cà phê đã giảm tới hơn 10%.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, nhận định việc hạt cà phê nhỏ đồng nghĩa với nguy cơ Việt Nam không đạt được sản lượng như đã được dự báo trước đó là 1,83 triệu tấn, tương đương 30,5 triệu bao, theo khảo sát của Bloomberg.
Alex Gruber, đại diện trưởng tại Văn phòng Việt Nam của RCMA Group, tập đoàn thương mại hàng hóa toàn cầu có trụ sở tại Singapore, nhận định: “Chúng tôi tiếp nhận vấn đề này từ nhiều nguồn tin khác nhau. Có vẻ như sản lượng cà phê năm nay sẽ thấp hơn dự kiến, chỉ khoảng dưới 31 triệu bao. Điều này càng khiến bà con nông dân trở nên lo lắng”.
Tỉnh Gia Lai vừa phải trải qua đợt mưa kéo dài nhiều ngày khiến rễ cây không hút được chất dinh dưỡng, theo ông Lê Tiến Hưng, Tổng giám đốc Simexco DakLak.
Ông Hưng hạ dự báo sản lượng lượng cà phê niên vụ 2018 - 2019 xuống khoảng 29,5 - 29,7 triệu bao, từ ngưỡng 30 triệu bao ông đưa ra hồi tháng 7.
Được biết, theo ước tính của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, kết thúc niên vụ cà phê 2017 - 2018 Việt Nam xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn, mức cao kỉ lục, tăng gần 200.000 tấn (tương đương tăng 12,3%) so với niên vụ 2016 - 2017.
Đợt mưa lớn kéo dài 3 tháng bắt đầu từ tháng 7 cũng cản trở nông dân trong việc bón phân cho cây, ông Trần Xuân Khải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, cho biết.
Ngoài vấn đề hạt cà phê nhỏ, việc thiếu nhân công thu hoạch cà phê và tiền công tăng cao cũng là khó khăn lớn mà nông dân tỉnh Gia Lai nói riêng đang gặp phải.
Theo đó, mỗi ha cà phê vào mùa thu hoạch cần ít nhất 5 lao động thu hái trong 1 tuần. Với hơn 93.000 ha cà phê, trong đó khoảng 80.000 ha đang kinh doanh, nhiều năm qua, tình trạng khan hiếm nhân công vào mùa thu hoạch luôn diễn ra ở tỉnh Gia Lai.
Theo phản ảnh của một hộ trồng cà phê ở xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai, công thu hoạch đã tăng từ 850.000 đồng/tấn lên 1 triệu đồng/tấn.
Xuất khẩu, điểm sáng ngành cà phê Việt Nam
Trên tất cả, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu vẫn là điểm sáng của ngành cà phê trong năm nay.
Trả lời phỏng Vietnamplus/TTXVN, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, ông Lương Văn Tự tự tin rằng năm nay xuất khẩu cà phê có thể đạt 3,5 tỉ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước.
Ông Tự cho biết, khác với nhiều loại nông sản chưa có thương hiệu, hiện Việt Nam đã xây dựng được nhiều thương hiệu cà phê được người tiêu dùng nước ngoài biết đến như Vinacafe, Trung Nguyên. Bên cạnh đó, những ưu đãi về thuế quan có được từ các hiệp định thương mại tự do đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nửa đầu tháng 11, xuất khẩu cà phê đạt 1,6 triệu tấn, trị giá 3,1 tỉ USD; tăng 23% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với cùng kì năm 2017.
Nhu cầu tiêu thụ tăng dịp cuối năm giúp thị trường cà phê toàn cầu phục hồi trở lại. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, lượng tiêu thụ cà phê robusta thế giới, chủ yếu là từ các công ty để làm cà phê hòa tan, được dự báo tăng lên mức kỉ lục, nhờ nhu cầu cà phê hòa tan tăng mạnh ở các thị trường đang phát triển.