|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sacombank cần hơn 5 năm để giải quyết nợ xấu?

09:50 | 10/12/2016
Chia sẻ
Do vẫn chưa đưa ra kế hoạch tái cơ cấu, do đó báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 của Ngân hàng Sacombank chưa được công bố, Đại hội đồng cổ đông cũng bị hoãn lại. 

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2016 của Sacombank cho thấy lợi nhuận ròng giảm 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) trượt 12 tháng bị âm. Kết quả này không gây bất ngờ bởi Sacombank đã hợp nhất Ngân hàng Phương Nam (PNB) năm 2015, một ngân hàng có nhiều nợ xấu và các hoạt động tín dụng rủi ro cao, đặc biệt là tín dụng BĐS.

sacombank can hon 5 nam de giai quyet no xau

Kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2016 của Sacombank.

Các chỉ báo về hoạt động ngân hàng của Sacombank như cho vay khách hàng, lãi lũy kế, và trái phiếu VAMC, đều có sự chênh lệch lớn so với so với các ngân hàng khác. Sự chênh lệch lớn về các chỉ báo chính cho thấy nợ xấu tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai, và cần một thời gian dài mới giải quyết được. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VietCapital, Sacombank có thể cần trên 5 năm để giải quyết xong các vấn đề trên.

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của Sacom bank đạt 5,8%, tương đối thấp so với các ngân hàng khác. Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) thấp, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng.

So với mức trung bình của các ngân hàng thương mại 12,1% , hệ số CAR của Sacombank là 9,8% được coi là khá thấp. Theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, về việc hướng dẫn hệ số rủi ro đối với tài sản ngân hàng, quy định hệ số rủi ro cho tín dụng BĐS năm 2016 sẽ được điều chỉnh tăng lên 200% trong năm 2017 từ 150% năm 2016, khiến CAR giảm.

sacombank can hon 5 nam de giai quyet no xau

Ước tính nợ xấu tiềm tàng trong cho vay khách hàng.

VietCapital cho rằng nợ xấu tiềm tàng còn nhiều do các chỉ số của Sacombank có sự chênh lệch lớn so với các ngân hàng khác. Các tài sản có vấn đề của Sacombank chủ yếu là cho vay khách hàng, lãi lũy kế, các khoản phải thu, và trái phiếu VAMC. Cụ thể, các vấn đề của Sacombank gồm: Tỷ lệ tín dụng trung và dài hạn trong tổng dư nợ cao nhất, cho thấy ngân hàng có thể sẽ tái cơ cấu nợ để tránh ghi nhận nợ xấu; Tỷ lệ lãi lũy kế/tài sản sinh lãi cao bất thường cho thấy rõ có tình trạng đưa nợ xấu vào Nhóm 1; Các khoản phải thu cao bất thường, các khoản này vẫn chịu rủi ro tín dụng do đó có thể bao gồm cả nợ xấu; Tỷ lệ trái phiếu VAMC/tổng tài sản cao nhất. Đây cũng là một chỉ báo về chất lượng tài sản và triển vọng lợi nhuận, số dư VAMC càng cao thì lợi nhuận càng bị ảnh hưởng.

Ngân Giang