Rút vốn mạnh nhất khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán kể từ năm 2011
Theo ước tính, đã có tới 17 tỷ USD bị rút khỏi các quỹ tương hỗ về thị trường chứng khoán trong tuần kết thúc ngày 19/10/2016, dữ liệu từ Investment Company Institute cho thấy. Trong đó, gần như toàn bộ lượng vốn di tản đều xuất phát từ các quỹ tương hỗ tại Mỹ, chứ không phải là quỹ tương hỗ toàn cầu.
Đây là mức rút vốn mạnh nhất đối với các quỹ tập trung vào hoạt động bán lẻ kể từ tháng 8/2011, giai đoạn đánh dấu ấn của bất ổn của các thị trường toàn cầu sau khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm lần đầu tiên trong lịch sử.
Dòng vốn di tản khỏi các quỹ tương hỗ là bằng chứng mới nhất cho thấy nhà đầu tư đang dần xa lánh các quỹ đầu tư năng động có chi phí “ngất ngưởng” và được điều hành bởi các nhà quản lý quỹ.
Michael Block, Trưởng bộ phận chiến lược tại Rhino Trading Partners, cho hay đây có thể là dấu hiệu về tình trạng căng thẳng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 08/11/2016.
Ông Block cho biết: “Đã có đủ những lo ngại để giữ người mua trong tầm kiểm soát”.
Nhà đầu tư cũng như những cử tri đã trải qua những tháng ngày “mệt mỏi” trong việc đo lường tác động của Tổng thống Hillary Clinton hoặc Tổng thống Donald Trump tới thị trường.
Ông Block nhận định: “Rất có khả năng bà Clinton sẽ chiến thắng, nhưng chúng ta phải tự hỏi chính mình điều đó là tốt hay xấu. Trong khi đó, Donald Trump vẫn còn là một ẩn số. Ông ta quả thật là một người ủng hộ cho hoạt động kinh doanh, nhưng không ai có thể chắc chắn được điều gì”.
Công ty Macroeconomic Advisors dự báo thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm 8% nếu ông Trump giành chiến thắng. Mặc dù nhiều thành phần tham gia thị trường tin rằng nhà đầu tư muốn bà Clinton chiến thắng vì bà có những đặc tính phù hợp với chức vị Tổng thống, nhưng thị trường chứng khoán vẫn có thể phải chịu áp lực từ sự kiện khó có khả năng xảy ra như việc Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện bởi điều này sẽ dẫn tới những bất ổn trong chính sách.
Trong thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Mỹ không thực sự lo sợ về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Bằng chứng là chỉ số S&P 500 chỉ giảm 1.5% trong tháng 10/2016 và chỉ số Dow Jones gần như không đổi. Trong khi đó, tính chung cả năm 2016, cả 2 chỉ số này đều leo dốc gần 5%.
Dù vậy, Jeff Carbone, đối tác quản lý tại Cornerstone Financial Partners, cho rằng những bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng rút vốn khỏi các quỹ tương hỗ trong thời gian gần đây”.
Ông Carbone cho hay các nhà đầu tư nhỏ lẻ nói riêng và cả thị trường nói chung có thể phản ứng mạnh mẽ nếu ông Trump gây nên sự rối loạn trên thị trường.
Thị trường chứng khoán thường trở nên ảm đạm trong những ngày sau cuộc bầu cử. Kể từ năm 1984 đến nay, mức độ bán tháo bình quân sau cuộc bầu cử đối với S&P 500 ở vào khoảng 1%, dữ liệu của Bespoke Investment Group cho thấy.
Stephen Wood, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Russell Investments, cho biết: “Các dòng tiêu đề liên quan đến chính trị có thể gây ra biến động trong ngắn hạn”.
Tuy nhiên, ông Wood dự báo các “nguyên nhân cơ bản” như chu kỳ lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng kinh tế và động thái mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ minh chứng cho lý lẽ của nhà đầu tư trong trung và dài hạn”.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nhà đầu tư sẽ tiếp tục rút vốn khỏi các quỹ năng động. Trong đó, chi phí ngày càng cao từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý tiền.
Các quỹ năng động đã mất 257 tỷ USD kể từ thời điểm khởi đầu năm 2015. Trong khi đó, các quỹ thụ động hiện đang nắm giữ 28% lượng tài sản của cộng đồng đầu tư tại Mỹ, cao hơn mức 13% trong năm 2008, dữ liệu của Morningstar cho thấy.
Ông Block: “Nhà đầu tư không thấy được giá trị trong việc quản lý chủ động. Vì thế, dòng vốn lại tiếp tục dịch chuyển sang quỹ thụ động”./.