Nỗi bức xúc của các hãng rượu đối với Facebook
Đó là nội dung e-mail mà một người phát ngôn của Facebook gửi tới CNBC.
"Chính sách thương mại của chúng tôi đã cấm bán rượu và thuốc lá ở một số nơi như Marketplace, nhưng giờ đây chúng tôi đang mở rộng chính sách sang cả nội dung tự nhiên (do người dùng viết)", một người phát ngôn của Facebook tiết lộ với CNBC.
Mark Brown, giám đốc công ty rượu Sazerac ở Mỹ, từng cáo buộc Facebook, eBay và Craigslist cho phép cá nhân bán những chai rượu nhái sản phẩm của công ty, chẳng hạn như Pappy Van Winkle (một loại rượu whiskey hảo hạng).
Ông Mark Brown giám đốc công ty rượu Sazerac, xuất hiện trong một bản tin của Bloomberg. Ảnh: Bloomberg
"Họ còn bán cả những vỏ chai rượu mạnh. Bọn sản xuất rượu giả mua những vỏ rỗng ấy để lừa khách hàng", ông Brown nói.
Bán rượu mạnh giả là một vấn nạn đối với ngành y tế toàn cầu. Bộ Y tế Costa Rica thông báo rượu giả chứa methanol đã gây nên cái chết của 20 người tại nước này từ tháng 6 tới nay.
Ít nhất 9 người Mỹ tử vong vì rượu giả khi du lịch tại Dominica trong năm và các nhà điều tra nhận định rượu giả có thể là thủ phạm gây nên cái chết của họ.
Giới chuyên gia khẳng định hệ thống phân phối rượu mạnh ở Mỹ bao gồm 3 cấp, và những quy định cấm bán rượu trên mạng sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng trước rượu giả, rượu pha.
"Craiglist, eBay và Facebook đã tạo điều kiện cho những kẻ sản xuất rượu giả lọt qua hệ thống phân phối của chúng tôi", ông Brown nhấn mạnh.
Phóng viên của CNBC thử tìm rượu mạnh trên Craiglist, eBay, Instagram, Facebook và phát hiện nhiều thông báo bán chai rượu rỗng xuất hiện trên các nền tảng ấy trong nhiều năm qua.
Facebook tuyên bố họ đã cấm người dùng bán rượu và thuốc lá trên Marketplace và nhiều nơi khác của mạng xã hội lớn nhất thế giới về số lượng người dùng, còn eBay chỉ cho phép những doanh nghiệp rượu vang có giấy phép bán sản phẩm của họ.
Hôm 25/7, Hiệp hội Những nhà bán buôn rượu vang và rượu mạnh Mỹ đã tổ chức họp báo về vấn nạn rượu giả ở thủ đô Washington của Mỹ. Trong cuộc họp báo, hiệp hội thừa nhận hành vi tiêu thụ rượu giả khiến các công ty rượu tổn thất khoảng 45 tới 50 tỉ USD mỗi năm.