|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Reuters: Thiệt hại từ dịch ASF tại Trung Quốc có thế cao gấp 2 lần số liệu được báo cáo

18:08 | 01/07/2019
Chia sẻ
Theo nguồn tin trong ngành, khoảng một nửa số heo nái của Trung Quốc chết vì dịch tả heo châu Phi (ASF) hoặc bị tiêu hủy vì sự lây lan của bệnh dịch, nhiều gấp hai lần dữ liệu chính thức công bố.

Mặc dù những ước tính khác thận trọng hơn, lượng heo nái sụt giảm tạo ra lỗ hổng lớn trong nguồn cung loại protein được ưu chuộng tại Trung Quốc, theo đó kéo giá thực phẩm tăng cao và tàn phá sinh kế khu vực kinh tế nông thông, gồm 40 triệu trang trại nuôi heo.

"Khoảng 50% số heo nái đã chết", ông Edgar Wayne Johnson, một chuyên gia có 14 năm tại Trung Quốc và là nhà sáng lập của công ty Tư vấn Công nghệ Nông nghiệp Enable, cho hay. 

Ba nhà giám đốc điều hành khác tại các công ty sản xuất vacxin, thức ăn bổ sung và gen cũng ước tính thiệt hại lên tới 40 - 50%, dựa trên doanh số sản phẩm giảm và thông tin trực tiếp về diễn biến bệnh dịch đang diễn ra trên khắp các trang trại của Trung Quốc. 

Thiệt hại không chỉ đến từ số heo chết vì nhiễm bệnh hoặc bị tiêu hủy, mà còn từ việc người chăn nuôi xuất heo sớm, khi dịch ASF được phát hiện tại khu vực lân cận, Reuters trích lời các hộ chăn nuôi và thành phần trong ngành cho biết. Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân khiến giá thịt heo ngừng tăng trong những tháng gần đây. 

Mặc dù vậy, giá heo đã bắt đầu tăng đều trong tháng này, và bộ nông nghiệp Trung Quốc cho biết giá có thể tăng 70% trong những tháng sắp tới vì sự bùng phát của bệnh dịch. Thịt heo chiếm hơn 60% lượng thịt tiêu thụ của thị trường lớn nhất thế giới. 

Trong tháng 6, Trung Quốc, sản xuất một nửa lượng thịt heo của thế giới, cho biết lượng heo nái đã giảm kỉ lục 23,9% trong tháng 5 so với một năm trước, ghi nhận mức giảm sau hơn tổng đàn heo nói chung.

Tại Trung Quốc, trong số 10 con heo có 1 heo nái. Sự sụt giảm về số heo nái thường tương đương với lượng thịt heo giảm, theo các chuyên gia trong ngành. 

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận về tuyên bố thiệt hại lớn hơn dữ liệu chính thức báo cáo. Hôm 24/6, cơ quan này cho biết bệnh dịch đã được kiểm soát một cách hiệu quả, Tân Hoa xã đưa tin. 

Hồi tháng 4, Rabobank cho biết sản lượng thịt heo thiệt hại từ sự bùng phát của dịch ASF có thể lên tới 35%. Ngân hàng Hà Lan đang điều chỉnh tăng con số này vì hoạt động giết mổ qui mô lớn trong những tháng gần đây, theo Pan Chenjun, chuyên gia phân tích cấp cao tại Rabobank.

1558625366-5ce6bc560382f

Ảnh: Associated Press.

Những đợt bùng phát không được báo cáo

Dịch ASF, hiện không có thuộc chữa hay vacxin phòng bệnh, khiến gần như toàn bộ số heo nhiễm virus tử vong, dù nó không gây hại cho con người. 

Kể từ khi trường hợp đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc vào tháng 8, dịch ASF đã lây lan ra mọi tỉnh, thành và vượt biên giới Trung Quốc bất chấp những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Bắc Kinh. Virus tương tự đã được phát hiện trong những năm gần đây tại Nga, Georgia và Estonia.

Chính phủ đã báo cáo 137 trường hợp bùng phát cho tới thời điểm hiện tại, nhưng có thêm nhiều ổ dịch vẫn chưa được báo cao, gần đây nhất là tại các tỉnh phía nam như Quảng Đông, Quảng Tây và Hồ Nam, theo 4 người chăn nuôi và một quan chức.

Ngành nông nghiệp lớn và phân mảng của Trung Quốc khiến toàn cảnh bức tranh dịch ASF trở nên khó xác định. 

"Hầu như toàn bộ số heo tại đây đã chết", một người nông dân tại huyện Bobai, thuộc khu vực phía tây nam Quảng Tây, cho hay. Quảng Tây sản xuất hơn 33 triệu con heo trong 2017, và là nguồn cung chính cho miền Nam Trung Quốc. 

Người này cho biết thêm chính quyền địa phương ngăn cản người chăn nuôi báo cáo về dịch bệnh. Tuy nhiên, Reuters không thể kiểm chứng thông tin này. 

Chính quyền thành phố Ngọc Lâm, giám sát huyện Bobai, đã xác nhận một ổ dịch bùng phát vào ngày 27/5. Đây là lần thứ hai dịch bệnh được báo cáo sau trường hợp được công bố tại Bắc Hải hôm 19/2.

Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Tây không phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.

Phỏng vấn một số nông dân tại các thành phố láng giềng của tỉnh Quảng Đông, gồm Trung Sơn, Phật Sơn và Mậu Danh, những người đã mất hàng trăm hoặc hàng nghìn con heo vì dịch bệnh trong 3 tháng qua, cho thấy không có một trường hợp bùng phát nào được báo cáo chính thức tại các tỉnh này. 


Lyly Cao