|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Reuters: Mỹ sắp đạt được thoả thuận nâng trần nợ công

08:16 | 26/05/2023
Chia sẻ
Hôm 25/5, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có vẻ đã sắp đạt được thoả thuận cắt giảm chi tiêu và nâng trần nợ của chính phủ Mỹ.

Tổng thống Joe Biden tham gia đàm phán cùng Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, vào ngày 25/5, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có vẻ đã sắp đạt được thoả thuận để nâng trần nợ 31.400 tỷ USD đi kèm với điều kiện cắt giảm chi tiêu liên bang.

Nguồn tin của Reuters cho biết thoả thuận sẽ chỉ định tổng số tiền mà chính phủ có thể chi cho các chương trình tuỳ ý như nhà ở và giáo dục, nhưng không chia nhỏ số tiền thành các hạng mục riêng lẻ.

Theo một số nguồn tin khác, hai bên chỉ còn bất đồng quan điểm xoay quanh khoản tiền 70 tỷ USD trên tổng ngân sách có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

Nhà Trắng cho biết ông Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội đã trao đổi trực tuyến vào ngày 25/5. Hạ nghị sĩ Garret Graves, nhà đàm phán hàng đầu của Đảng Cộng hoà, chia sẻ với truyền thông rằng hai bên sẽ tiếp tục thảo luận trong đêm.

Các nhà đàm phán của Đảng Cộng hoà đã rút lại kế hoạch tăng chi tiêu quân sự trong khi cắt giảm chi tiêu phi quân sự. Thay vào đó, họ ủng hộ một kế hoạch của Nhà Trắng nhằm cấp ngân sách đồng đều cho hai hạng mục này.

Ông Biden cho biết hai bên vẫn chưa nhất trí nên cắt giảm chi tiêu ở đâu. Chia sẻ với các phóng viên, ông cho hay: “Tôi không cho rằng toàn bộ gánh nặng sẽ bị đẩy lên vai tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động Mỹ”.

Ông Graves nói Nhà Trắng đang “từ chối đàm phán về các yêu cầu công việc” đối với các chương trình chống nghèo đói. “Chúng tôi có rất nhiều điểm vướng mắc nhưng đó là một trong những vấn đề lớn nhất”, vị hạ nghị sĩ bày tỏ.

Trao đổi với các phóng viên vào tối cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết hai bên chưa đạt được thoả thuận. “Chúng tôi biết việc này không hề dễ dàng”, ông lưu ý.

 

Hiện không rõ Quốc hội còn bao nhiêu thời gian. Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo rằng cơ quan này có thể sẽ không hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán ngay ngày 1/6 tới.

Bất kỳ thoả thuận nào cũng sẽ phải được Hạ viện do Đảng Cộng hoà và Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua.

Quá trình này có thể diễn ra một cách khó khăn, vì một số đảng viên Cộng hoà cánh hữu và nhiều đảng viên Dân chủ tự do đã bày tỏ thái độ thất vọng về cuộc đàm phán.

Ông McCarthy lên tiếng: “Tôi không nghĩ cuối cùng mọi người đều sẽ hài lòng. Đó không phải cách hệ thống chính trị Mỹ vận hành”.

Hạ viện đã giải tán vào chiều ngày 25/5 cho kỳ nghỉ kéo dài một tuần và Thượng viện hiện không có lịch họp. Các nhà lập pháp được yêu cầu nên sẵn sàng quay lại thủ đô Washington bỏ phiếu nếu Nhà Trắng và Quốc hội đạt được thoả thuận.

Nếu Mỹ vỡ nợ, thị trường tài chính toàn cầu có thể bị đảo lộn và nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái.

Cơ quan xếp hạng tín dụng DBRS Morningstar đã đưa Mỹ vào diện xem xét hạ bậc. Trước đó, Fitch, Moody’s và Scope Ratings cũng đã đưa ra thông báo về việc cân nhắc hạ bậc xếp hạng AAA của Mỹ.

Vào năm 2011, trong một cuộc chiến trần nợ khác, S&P Global đã hạ bậc xếp hạng của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống còn AA+.

Bế tắc kéo dài nhiều tháng cũng khiến Phố Wall bất an, đè nặng lên chứng khoán và kéo chi phí đi vay của nước Mỹ lên cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho biết những lo ngại về trần nợ đã kéo chi phí lãi vay của chính phủ lên 80 triệu USD từ đầu năm cho đến nay.

Khả Nhân