|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Reuters: Chỉ số tâm lí kinh doanh châu Á thấp kỉ lục trước tác động của COVID-19

16:38 | 17/06/2020
Chia sẻ
Theo kết quả khảo sát hàng quí của Reuters với Trường kinh doanh INSEAD, chỉ số tâm lí kinh doanh châu Á đã giảm xuống còn 35 điểm trong Quí II/2020, đánh dấu mức thấp kỉ lục kể từ khi khảo sát, bắt đầu năm 2009.
Reuters: Chỉ số tâm lí kinh doanh châu Á thấp kỉ lục trước tác động của COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên làm việc tại một dây chuyền sản xuất bên trong nhà máy Dongfeng của Honda ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 8/4. Sản lượng sản xuất Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến, dự báo còn lâu kinh tế mới phục hồi. (Ảnh: Reuters).

Chỉ số tâm lí kinh doanh của các công ty tại châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm vào quí II/2020, theo cuộc khảo sát của Tập đoàn Thomson Reuters hợp tác với trường kinh doanh INSEAD.

Trong số các công ty tham gia khảo sát, gần 67% cảnh báo tình hình đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn sẽ là rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp trong 6 tháng tới.

 Khoảng 16% trong số 93 công ty được khảo sát nhận định cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng sẽ là rủi ro chính trong 6 tháng tới, với hơn 50% trong số này dự kiến khối nhân sự và khối lượng kinh doanh sẽ giảm xuống.

"Chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát ngay tại thời điểm mọi thứ đang bắt đầu trở nên tồi tệ", ông Antonio Fatas - giáo sư Trường kinh doanh INSEAD có trụ sở tại Singapore, nói về cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 29/5 – 12/6.

Dù tác động ban đầu của đại dịch COVID-19 đã được phản ánh trong kết quả khảo sát vào tháng 3, chỉ số tâm lí kinh doanh trong quí II tiếp tục giảm thêm hơn 33%, xuống còn 35 điểm.

Đây là lần thứ hai Chỉ số tâm lí kinh doanh châu Á của Thomson Reuters/INSEAD (TRIABS) giảm xuống dưới 50 điểm, kể từ khi cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện vào quí II/2009.

Lần cuối cùng chỉ số có giá trị dưới 50 cũng chính là quí đầu tiên, đạt 45 điểm.

Theo Reuters, chỉ số TRIABS có giá trị hơn 50 cho thấy niềm tin doanh nghiệp trông đợi hoạt động tương lai lạc quan hơn.  

Reuters: Chỉ số tâm lí kinh doanh châu Á thấp kỉ lục trước tác động của COVID-19 - Ảnh 2.

Chỉ số tâm lí kinh doanh châu Á của Thomson Reuters/INSEAD giảm xuống còn 35, thấp nhất trong lịch sử, cho thấy doanh nghiệp châu Á còn ngần ngại với các triển vọng hồi phục sau dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters).

Các công ty từ 11 quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đóng góp ý kiến trong cuộc khảo sát của Thomson Reuters/INSEAD.

Một số tên tuổi nổi bậ gồm có tập đoàn khách sạn Thái Lan Minor International, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Suzuki Motor, nhà sản xuất theo hợp đồng Đài Loan Wistron Corp cùng công ty khai thác và phát triển dầu khí Oil Search.

"Có thể thấy sự bi quan này đang được lan truyền sang nhiều lĩnh vực và quốc gia, theo cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây bao giờ", ông nói thêm.

Dù nhiều quốc gia đang nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, liên quan đến dịch bệnh COVID-19, nhiều người vẫn rất lo ngại trước nguy cơ làn sóng bùng dịch tiếp theo sẽ gây tổn hại sâu đậm lên các nền kinh tế.

Sau nhiều tuần gần như không có ca nhiễm COVID-19 nào mới, Trung Quốc đã ghi nhận hàng chục trường hợp nhiễm trong những ngày gần đây, làm rung chuyển thị trường chứng khoán vừa hồi phục trở lại.

Nhiều quốc gia khác ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại như Hàn Quốc, Mỹ, cũng làm cho giới kinh doanh ngần ngại hơn, lo sợ các nền kinh tế vốn đã bị tàn phá từ hàng tháng phong tỏa và hạn chế đi lại, sẽ không thể trụ nổi.

Reuters: Chỉ số tâm lí kinh doanh châu Á thấp kỉ lục trước tác động của COVID-19 - Ảnh 3.

Sau hàng tháng đằng đẵng phong tỏa vì dịch COVID-19, ngành hàng không và du lịch toàn cầu chật vật tồn tại, cầu cứu các chính phủ. (Ảnh: Reuters).

Kinh tế khó có thể phục hồi theo hình chữ V

Trung Quốc, nơi phát hiện ra dịch bệnh COVID-19 mới, đã báo cáo sản lượng công nghiệp có tăng nhanh tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5, nhưng vẫn còn yếu hơn dự kiến, cho thấy sự phục hồi mà ai cũng trông đợi vẫn còn rất xa vời.

"Điều này cho chúng ta biết rằng để phục hồi sẽ còn cần nhiều thời gian hơn nữa, và sẽ không có sự phục hồi theo hình chữ V nào cả", ông Jeff Ng - Cố vấn cấp cao của Ngân hàng HL, nhận định.

Các chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế đang gặp khó khăn trong dịch.

Singapore và Hong Kong là một trong số các nền kinh tế cởi mở nhất tại châu Á, hiện đang cứu vớt các phân khúc chịu tác động nặng nề nhất như các hãng hàng không.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã úp mở về việc có thể sẽ giữ mức lãi suất chuẩn gần bằng 0 cho đến năm 2022, cho thấy ngay cả nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang trông chờ một con đường dài đằng đẳng để phục hồi kinh tế.

Cuộc thăm dò ý kiến của hơn 250 nhà kinh tế được Reuters công bố vào cuối tháng 5, cho thấy suy thoái ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong năm nay, dự đoán sẽ tiếp tục tụt giảm trầm trọng hơn so với con số dự kiến trước đó.

Reuters: Chỉ số tâm lí kinh doanh châu Á thấp kỉ lục trước tác động của COVID-19 - Ảnh 4.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã úp mở về việc có thể sẽ giữ mức lãi suất chuẩn gần bằng 0 cho đến năm 2022, một khoảng thời gian khá dài để trông chờ vào sự phục hồi kinh tế theo hình chữ V. (Ảnh: Asian Nikkei Review).

Chaiyapat Paitoon - Giám đốc chiến lược của Tập đoàn Minor International, chia sẻ với Reuters: "Tập đoàn đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí để giảm thiểu các tác động [của dịch bệnh] lên lợi nhuận". "Hiện ưu tiên chính của Minor International là để tồn tại, ổn định và phát triển", ông Paitoon nói thêm.

Tập đoàn đa quốc gia Minor International có trụ sở tại Thái Lan, điều hành các thương hiệu khách sạn và khu nghỉ dưỡng đình đám như Marriott và Four Seasons, có phần lớn nguồn thu đến từ thị trường châu Âu.

Cũng nhận thấy triển vọng u ám này, Morgan Stanley cho biết họ dự kiến sẽ có một sự thay đổi về vĩ mô như là hậu quả của đại dịch COVID-19.

"Mỗi cuộc suy thoái lớn đều để lại dấu ấn trên sự cân đối trong nền kinh tế vĩ mô. Việc các chính sách tài khóa quan trọng được nới lỏng cho thấy tỉ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ sớm tăng mạnh trong hai năm tới", các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo mới đây.


Điêu Quân/Theo Reuters

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.