Rạp chiếu phim có thể hoạt động 100% công suất ở địa bàn dịch cấp độ 1
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) mới đây đã có hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, đối với địa bàn có dịch cấp độ 1, việc tổ chức các hoạt động của thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phải tuân thủ các nội dung theo hướng dẫn.
Bên cạnh đó, đối với địa bàn có dịch cấp độ 2, giảm 50% số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ. Thực hiện các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Có bảng nội quy hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 3 các điều kiện cũng tương tự cấp độ 2, tuy nhiên về số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ thì giảm 70%. Dừng tổ chức các hoạt động trên các địa bàn có dịch cấp độ 4.
Theo hướng dẫn, các yêu cầu chung đặt ra khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch gồm: Xây dựng kế hoạch tổ chức và các phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ, chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra-vào địa điểm quản lý và khai báo y tế theo.
Theo dõi sức khỏe của người tham gia tổ chức sự kiện, hoạt động dịch vụ hàng ngày; không được bố trí làm việc đối với người có một trong các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu người tham gia tổ chức sự kiện, hoạt động dịch vụ tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe tại nhà trước khi đến nơi làm việc, không đi làm nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở... và phải báo cho đơn vị quản lý, y tế địa phương để được tư vấn và xử trí theo quy định.
Nhiều rạp phim tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành khác đang rơi vào tình cảnh kiệt quệ trước đại dịch COVID-19. Sau hơn 4 tháng đóng cửa, các hệ thống rạp lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đối diện với nguy cơ phá sản.
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV nói rằng nếu đầu năm 2022, rạp chiếu phim mới được tái hoạt động, nhiều doanh nghiệp điện ảnh dù lớn hay nhỏ đều đứng trước nguy cơ phá sản. Điều tất yếu là kéo theo sự suy thoái của của cả nền điện ảnh nói chung.
Thách thức lớn nhất của CGV là dòng tiền trong kinh doanh. Trong bối cảnh doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0, hệ thống rạp chiếu phim phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian qua. Cũng cảnh ngộ với CGV, Lotte Cinema, Galaxy cũng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.