Rabobank dự đoán năm 2022, sản lượng heo của Trung Quốc tăng nhưng giá thịt heo duy trì ở mức thấp
Triển vọng ngành chăn nuôi heo Trung Quốc năm 2022
Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Protein Động vật năm 2022, các nhà phân tích của Rabobank nhận định sự phục hồi liên tục của đàn heo tại Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất của thị trường toàn cầu trong năm tới.
Cụ thể, Rabobank dự đoán việc nông dân tăng cường tái đàn hậu dịch tả heo châu Phi (ASF) sẽ thúc đẩy sản lượng thịt heo của Trung Quốc. Chưa kể, tháng trước, các nhà sản xuất thịt heo tại thị trường tỷ dân đã công bố một ứng viên vắc xin tiềm năng có thể giúp heo kháng được virus ASF.
Hiện tại, Trung Quốc đang là nước có đàn heo lớn nhất thế giới và chiếm hơn một nửa đàn heo toàn cầu. Khoảng 56% sản lượng toàn ngành thịt của Trung Quốc cũng là thịt heo.
Cho đến nay, thịt heo vẫn là loại protein yêu thích nhất của người dân tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trung bình mỗi người dân tiêu thụ hơn 30 kg thịt heo/năm. Con số này dự kiến có thể tăng thêm trong dài hạn.
Tuy nhiên, ngân hàng có trụ sở tại Hà Lan vẫn lưu ý rằng chặng đường phục hồi của ngành công nghiệp chăn nuôi heo tại Trung Quốc còn nhiều bất ổn. Trong năm 2022, mức tiêu thụ còn yếu và giá thịt heo tại Trung Quốc được dự báo là duy trì ở ngưỡng thấp.
Năm ngoái, Trung Quốc sản xuất được khoảng 41,1 triệu tấn thịt heo, giảm nhẹ so với con số 42,6 triệu tấn trong năm 2019. Sản lượng thịt heo của đất nước tỷ dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch ASF.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm nay, sản lượng thịt heo của Trung Quốc có thể tăng khoảng 20% so với năm ngoái lên khoảng 43,8 triệu tấn. Tính chung toàn thế giới, tổng sản lượng thịt heo năm 2021 có thể rơi vào khoảng 105,1 triệu tấn.
Các thị trường thịt heo khác thì sao?
Tại Bắc Mỹ, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn sẽ thúc đẩy sản lượng và hỗ trợ giá thịt heo. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Rabobank cảnh báo, những hạn chế về sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng tích cực của ngành chăn nuôi heo khu vực này.
Trong khi đó, sản lượng thịt heo của châu Âu nhìn chung đang ổn định, song nhu cầu của người dân lục địa già cần phải tăng lên để cân bằng thị trường, nếu không giá thịt heo trong khu vực có thể giảm đáng kể trong năm 2022, Rabobank nhấn mạnh.
Ở Brazil, một thị trường lớn khác, hoạt động xuất khẩu thịt heo được Rabobank dự đoán là sẽ thúc đẩy đàn heo tăng trưởng, dù nhu cầu trong nước cũng đang hỗ trợ ngành chăn nuôi heo.
Ở Đông Nam Á, sản lượng thịt heo cũng sẽ phục hồi sau tác động của dịch ASF và đại dịch COVID-19, song tốc độ chậm hơn so với Trung Quốc và các khu vực khác, Rabobank chia sẻ thêm.
Ở diễn biến khác, Rabobank kỳ vọng thị trường gia cầm toàn cầu sẽ phục hồi vào năm tới nhờ nhu cầu lớn mạnh, bất chấp sự bùng phát của dịch cúm gia cầm. Rabobank dự báo sản lượng thịt gia cầm thế giới sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2022, riêng các thị trường chính mức tăng trưởng dao động từ 1% đến 5%.
Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán sản lượng thịt bò và các động vật đánh bắt từ tự nhiên có thể sụt giảm nhẹ trong năm 2022.
Ngoài ra, ngân hàng Hà Lan còn dự báo các sản phẩm protein thay thế sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Doanh số bán các sản phẩm protein thay thế đã được củng cố trong năm 2021 và có thể bật tăng mạnh trong năm tới.
Tuy nhiên, Rabobank cảnh báo, việc các chi phí đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi, lương công nhân, giá năng lượng và cước vận tải hàng hóa tăng cao sẽ là thách thức cho thị trường protein năm 2022.
Ông Justin Sherrard, chiến lược gia cấp cao tại Rabobank, khuyến nghị các lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm nên tập trung tạo lập cơ hội từ những gián đoạn trên thị trường, thay vì xem chúng là rủi ro trong kinh doanh.