Quyền lực 'tối thượng' của Elon Musk: Đều đặn đăng tweet bất chấp bị kiểm duyệt, khiến SEC phải lo ngại chưa dám phạt
Khi tỷ phú Elon Musk thông báo hoãn kế hoạch mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD vào tuần trước, thị trường chứng khoán đã có một phen chao đảo như thường lệ, theo Financial Times.
Một lần nữa, CEO Tesla đã sử dụng một dòng tweet ngắn ngủi để đưa ra những tin tức về thị trường. Và một lần nữa, cách đối phó khéo léo của ông với Phố Wall lại làm dấy lên câu hỏi về việc ông đã tuân thủ đầy đủ các quy định về chứng khoán hay chưa.
Elon Musk vẫn lách luật
Ký ức về dòng tweet khét tiếng năm 2018 của Elon Musk vẫn còn nguyên. Thời điểm đó, ông tuyên bố đã đảm bảo nguồn tài chính đế biến Tesla thành công ty tư nhân. Tuy nhiên, việc này chưa bao giờ thành hiện thực. Cả Elon Musk và Tesla đã phải chịu án phạt từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Riêng Elon Musk đã phải thôi giữ chức chủ tịch Tesla trong ba năm.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, các cơ quan quản lý đã tỏ ra tương đối kiềm chế, bất chấp việc CEO Tesla vẫn thường xuyên có những hành động hoặc dòng tweet “quá khích”. David Rosenfeld, phó giáo sư tại Đại học Bắc Illinois cho biết: “SEC đang thận trọng hơn, và Elon Musk biết cách tận dụng điều đó”.
Tuy nhiên, những hành động gần đây của Elon Musk có thể khiến ông phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn. Theo John Coffee, một giáo sư luật tại Đại học Columbia, CEO Tesla có thể đã sẵn sàng chấp nhận “sự lựa chọn cứng rắn” của SEC: Đình chỉ hoặc loại hoàn toàn ông khỏi vị trí quan chức hoặc giám đốc của một công ty đại chúng.
Theo các chuyên gia, nếu Elon Musk gặp nguy hiểm về mặt pháp lý, điều đó khó có thể xuất phát trực tiếp từ những dòng tweet gây ảnh hưởng đến cổ phiếu của Twitter vào tuần trước.
Các bài đăng được chia sẻ một cách rộng rãi được cho rằng chính là cách Elon Musk làm giảm giá cổ phiếu Twitter, qua đó giúp ông có thể hạ giá mua mạng xã hội này.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng SEC gần như không thể cáo buộc Elon Musk thao túng thị trường chứng khoán thông qua những dòng tweet đó, trừ khi có những bằng chứng rõ ràng về việc CEO Tesla đang cố tình đẩy giá cổ phiếu Twitter xuống.
James Cox, giáo sư luật doanh nghiệp và chứng khoán tại Đại học Duke cho biết: “SEC và các đương sự khác thường không đạt được thành công lớn khi cáo buộc một cá nhân thao túng thị trường. Trong trường hợp này, rất khó để chứng minh một tuyên bố nào đó của Elon Musk là sai lầm vì ông ấy đã nhiều lần nói rằng e ngại về số lượng bot trên Twitter”.
Tuy nhiên, khi Elon Musk tiếp tục tuân theo quy ước và quy định của luật chứng khoán, SEC có các công cụ khác có thể giúp họ trong việc làm rõ các vấn đề, theo các luật sư chứng khoán.
Thực tế, Elon Musk đã chấp nhận một thỏa thuận vào năm 2018, trong đó đề cập đến việc những dòng tweet có khả năng gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu phải được kiểm duyệ trước khi đăng.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về việc những dòng tweet được ông đăng vào tuần trước đã được kiểm duyệt. Vô tình, những dòng tweet này đã khiến giá cổ phiếu Twitter sụt giảm trước khi Elon Musk thông báo hoãn kế hoạch mua lại. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể khiến Elon Musk bị điều tra.
Mối đe dọa pháp lý thứ hai bắt nguồn từ chính những tiết lộ của Musk về khoản đầu tư vào Twitter. CEO Tesla đã bí mật sở hữu 9% cổ phần. Số lượng cổ phần này đã không được báo cáo công khai cho đến ngày 4/4, vượt quá thời gian quy định.
Tiết lộ ban đầu của Elon Musk cũng mô tả khoản đầu tư của ông là thụ động, mặc dù một ngày sau đó, một hồ sơ thứ hai đã sửa đổi điều này để nói rằng CEO Tesla đã đồng ý ngồi vào hội đồng quản trị của Twitter. Dù vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, ông đã thay đổi ý định, không gia nhập ghế hội đồng quản trị Twitter và hướng đến việc mua lại toàn bộ công ty.
Nỗi lo của SEC
Một số chuyên gia pháp lý tỏ ra ngạc nhiên khi SEC vẫn chưa đưa ra hình phạt với Elon Musk về việc công bố thông tin quá thời gian quy định. Hiện tại, người đại diện SEC vẫn chưa trả lời bình luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, một cựu quan chức cấp cao của SEC cho biết cơ quan quản lý có thể đang trì hoãn hành động trong khi thu thập thêm bằng chứng để buộc tội Elon Musk. Bất kỳ bằng chứng nào chống lại CEO Tesla cũng có thể khiến tỷ phú người Nam Phi vướng phải những rắc rối lớn.
Dù vậy, vẫn tồn tại một câu hỏi lả liệu SEC có quyết theo đuổi vụ việc này đến cùng hay không. Sau dòng tweet “nguồn tài chính được đảm bảo” của Elon Musk, ban đầu, SEC đã tìm cách cấm ông làm giám đốc hoặc nhân viên công ty đại chúng, nhưng sau đó đã đồng ý với thỏa thuận nhẹ nhàng hơn.
Cựu quan chức SEC cho biết cơ quan này không quyết liệt trong việc cấm Elon Musk nhiều khả năng vì không muốn ảnh hưởng tới cổ đông Tesla. Khác với các nhà lãnh đạo như Steve Jobs của Apple, Bill Gates của Microsoft hay Eric Schmidt của Google, nhân vật tiềm năng kế nhiệm Elon Musk tại Tesla vẫn chưa rõ ràng.
Jay Clayton, khi đó là chủ tịch SEC, đã xuất hiện để xác nhận vụ việc. “Trường hợp lợi ích cổ đông xảy ra mâu thuẫn với những việc làm sai trái của CEO các công ty không phải là hiếm. Một số cá nhân có tầm quan trọng đặc biệt với tương lai của một công ty”.
Theo một số người, nỗi sợ làm tổn thương các cổ đông của Tesla đã khiến SEC nhẹ tay với Elon Musk. “Elon Musk có thật sự trở nên quan trọng với một công ty tới mức SEC sợ phải làm điều gì đó gây hại cho ông ta hay không? Đó là một câu hỏi về sự công bằng”, một cựu quan chức SEC cho biết.