|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Elon Musk không chỉ mất 1 tỷ USD tiền phạt nếu rút khỏi thương vụ 'mua lại' Twitter

20:21 | 15/05/2022
Chia sẻ
Nếu tác động từ thương vụ mua lại Twitter gây ra ảnh hưởng kém tích cực, tỷ phú Elon Musk có thể sẽ cân nhắc việc rút lui. Tuy nhiên, khoản phí phạt sẽ không chỉ dừng lại ở 1 tỷ USD như thỏa thuận trước đó.

Nếu tác động từ thương vụ mua lại Twitter gây ra ảnh hưởng kém tích cực, tỷ phú Elon Musk có thể sẽ cân nhắc việc rút lui. (Ảnh: CNN).

Theo CNBC, tỷ phú Elon Musk khó lòng rút khỏi thương vụ thâu tóm Twitter với chỉ 1 tỷ USD tiền phạt và việc đơn phương rút lui sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều. Trước đó, hôm 13/5, tỷ phú Elon Musk đã tweet rằng ông đã quyết định tạm dừng việc mua lại Twitter khi nghiên cứu xem liệu số lượng tài khoản giả mạo trên Twitter có thực sự chỉ là 5% hay không.

Điều khoản trong thỏa thuận của Elon Musk với Twitter có đề cập đến khoản phí phạt 1 tỷ USD nếu bất cứ bên nào đơn phương chấm dứt thương vụ mua bán này, CNBC gọi đây là "phí chia tay". Theo đó, khoản phí này không phải là một lựa chọn thanh toán. Điều khoản về phí chia tay được cài vào để giúp Elon Musk tự bảo lãnh quyền lợi mà không lo sợ hậu quả.

Ngược lại, khoản phí này giúp người mua có quyền lựa chọn rút lui khi có lý do ngoại lệ khiến thương vụ không thể hoàn tất, chẳng hạn như các quy định pháp lý hay mối lo ngại tài chính đến từ bên thứ ba. Người mua cũng có thể rút lui nếu có gian lận, giả sử việc phát hiện ra thông tin không chính xác.

Tuy vậy, theo ý kiến luật sư, đợt sụt giảm giá trị thị trường, thổi bay 9 tỷ USD vừa rồi của Twitter không đủ hợp lệ để cho Elon Musk lấy làm lí do rút lui.

Luật sư cho biết, nếu Elon Musk từ bỏ thương vụ này chỉ vì ông cảm thấy mình đã chi quá nhiều tiền, Twitter có thể kiện CEO Tesla về khoản tiền bồi thường thiệt hại hàng tỷ USD bên cạnh việc thu khoản phí 1 tỷ USD.

Điều này đã từng xảy ra trước đây, khi Tiffany kiện tập đoàn hàng xa xỉ của Pháp LVMH vào năm 2020 vì cố gắng rút lui khỏi thỏa thuận chung. Vụ kiện đó được giải quyết khi Tiffany đồng ý giảm giá bán của họ từ 16,2 tỷ USD xuống còn khoảng 15,8 tỷ USD.

CNBC phân tích rằng Elon Musk muốn tạm ngưng thương vụ này để tạo áp lực, buộc Twitter giảm giá bán. Cổ phiếu Twitter đã giảm hơn 8% vào thứ 13/5 và giảm khoảng 23% so với giá mua theo thỏa thuận của Musk là 54,20 USD/cổ phiếu. Một phần của sự sụt giảm có liên quan đến "cú rớt" giá gần đây của các big tech. 

“Đây có lẽ là một chiến thuật đàm phán nhân danh Elon Musk”, Toni Sacconaghi, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Bernstein nhận định. “Thị trường đã đi xuống rất nhiều. Ông ấy có thể đang sử dụng chiêu bài này để tạo lợi thế trong đàm phán", ông Sacconaghi nói thêm.

Mặc dù Elon Musk nói rằng ông vẫn cam kết mua lại Twitter, nhưng vị tỷ phú có thể sẽ cân nhắc bởi những tổn thất mà ông phải chịu trên giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu cổ phần Tesla của mình. Cổ phiếu của Tesla đã giảm khoảng 24% so với tháng trước.

Việc người giàu nhất hành tinh từ bỏ thương vụ này hoàn toàn có khả năng. Trong trường hợp, Elon Musk đánh giá khoản lỗ tại Tesla có liên quan đến thương vụ mua lại Twitter, và nó có tác động lớn tới nỗi vượt qua khoản phí phạt 1 tỷ USD, cũng như các thiệt hại liên quan đến pháp lý, ông sẽ phải suy nghĩ về việc thâu tóm Twitter.

Giống như Tiffany và LVMH, Twitter có thể không có nhiều lựa chọn tốt ngoài việc đàm phán lại với Eon Musk. Công ty có thể muốn tránh một vụ kiện kéo dài tốn kém. Nhân viên có thể bỏ việc vì công ty không có kế hoạch tương lai rõ ràng.

Hôm 12/5, Twitter đã sa thải hai giám đốc điều hành và cho biết họ đang tạm dừng việc tuyển dụng. Khi Twitter đồng ý bán mình cho Musk với giá 54,20 USD/cổ phiếu, hội đồng quản trị đã không bận tâm đến việc đẩy giá cao hơn một phần vì không có người mua quan tâm nào khác ở mức giá đó.

Hội đồng quản trị của Twitter đã đưa ra kết luận rằng không có khả năng sớm quay trở lại giao dịch ở mức cao hơn do sự sụt giảm định giá trong năm nay của các cổ phiếu công nghệ như Facebook và Snap. Kết quả tốt nhất của Twitter có thể chỉ là chấp nhận một lời đề nghị thấp hơn từ tỷ phú Elon Musk. 

Doanh Chính