Quỹ ngoại lùng sục tìm nơi rót vốn
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp và start-up Việt cũng cần có những kỹ năng để chọn được quỹ đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển của mình, tránh rơi vào vòng xoáy của các nhà môi giới.
Đông Nam Á và Việt Nam trong "tầm ngắm"
Hans Tung là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng. Ông là đối tác quản lý của Quỹ GGV Capital và đã đầu tư khoảng 300 công ty, tạo ra 15 start-up kỳ lân (những doanh nghiệp khởi nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD), trong đó có nhiều tên tuổi đình đám trên thế giới như Slack, Bytedance, Airbnb và musial.ly (được biết đến với tên gọi khác là Tik Tok).
Danh mục đầu tư của GGV Capital sẽ không dừng lại. Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là những thị trường hết sức tiềm năng mà Hans đang để mắt tới. Đây là những thị trường đủ lớn và các thị trường lân cận cũng khá tiềm năng để các start-up có thể tiến hành mở rộng.
Ông Itamar Har-Even, đồng CEO của Ion Pacific (trụ sở tại Hồng Kông), nơi chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm cho rằng, Đông Nam Á đang sở hữu cơ cấu dân số vô cùng hấp dẫn cũng như cơ hội để tạo ra các doanh nghiệp đủ sức tạo bước nhảy vọt so với phần còn lại của thế giới.
VinaCapital dự kiến đầu tư 100 triệu USD cho các start-up tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
Đặc biệt, trong khi tăng trưởng Internet di động tại Trung Quốc đang chậm lại, sắp đạt đến ngưỡng bão hoà, thì nền kinh tế số Đông Nam Á, với khoảng 350 triệu người sử dụng Internet được dự báo đạt giá trị hơn 240 tỷ USD vào năm 2025 (theo Google và quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek).
Cơ hội tại Đông Nam Á cho các quỹ sẽ nằm ở các lĩnh vực có giá trị cao và không dễ định hình mô hình kinh doanh như bảo hiểm, logistics, giáo dục, du lịch và chăm sóc sức khỏe.
Hiện một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất Trung Quốc đã bắt đầu mở văn phòng đại diện tại Singapore. Chính những quỹ đầu tư này đã rót tiền vào các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, Xiaomi và Meituan-Dianping. Điển hình là GGV Capital và Qiming Ventures.
GGV Capital đã mở một văn phòng đại diện ở Singapore và đang có kế hoạch phân bổ một phần nguồn vốn trị giá 1,8 tỷ USD vào các thị trường mới nổi, bao gồm các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm khác cũng đang chú ý đến thị trường Đông Nam Á.
Quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus (Mỹ) vừa thiết lập một quỹ đầu tư với số vốn 4,25 tỷ USD dành cho Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong khi đó, Sequoia Capital India cũng đang rục rịch rót tiền vào khu vực này.
Với GIC - quỹ đầu tư quốc gia Singapore, việc vừa được bơm thêm gần 33 tỷ USD từ Chính phủ chỉ khiến họ thêm áp lực phải sinh lời. Việc tìm kiếm nhiều khoản đầu tư vào khối doanh nghiệp tư nhân cũng đang được quỹ này nỗ lực thực hiện.
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, 18 quỹ đầu tư ký cam kết rót vốn 425 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng) trong 3 năm tới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Một số thương vụ điển hình như Quỹ đầu tư DT&I (Hàn Quốc) quyết định sẽ đầu tư cho start-up Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý II năm nay.
Quỹ VinaCapital sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 2 quỹ của Hàn Quốc để đánh dấu việc quỹ này dự kiến đầu tư 100 triệu USD cho các start-up tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, quỹ mới nhất của EU dành cho các start-up Việt Nam trị giá lên tới 3 tỷ euro...
Bí kíp tìm đúng người
“Các quỹ đầu tư ngoại đang lùng sục tìm start-up tốt để đầu tư, mà không tìm ra bao nhiêu”, Trần Việt Hùng, nhà sáng lập GotIt! nói. Các quỹ này chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.
Giữa làn sóng đầu tư này, làm sao để doanh nghiệp và start-up Việt Nam nhận biết được quỹ tốt để tránh loay hoay khi rơi vào tay các nhà môi giới?
Đối với giới đầu tư mạo hiểm, thì cách đầu tư thành công của Hans Tung không đơn thuần là một nhà đầu tư mạo hiểm, mà là một nhà xã hội học, thông qua việc phân tích các khía cạnh xã hội cũng như cộng đồng người bản địa.
Chẳng hạn, ông nhìn thấy tiềm năng từ thị trường với dân số trẻ, số người thường xuyên sử dụng điện thoại di động lên đến 70%, phần lớn trong số này không sở hữu thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và đó là lý do họ sẽ tìm đến những nền tảng thanh toán trực tuyến.
Hans tin rằng, với việc tận dụng được lợi thế người dùng trẻ cũng như tập trung vào các giải pháp được bản địa hóa nhằm giải quyết các vấn đề địa phương, thì một công ty khởi nghiệp có thể phát triển thành một “kỳ lân” hoặc “con rồng” tại bất cứ đâu. Chính vì vậy, sự táo bạo cũng như thông tin đặc biệt là những gì mà quỹ này tìm kiếm ở các công ty khởi nghiệp.
Minh chứng, khi Hans Tung đến Bangalore hoặc New Delhi (Ấn Độ), các nhà sáng lập doanh nghiệp sẵn sàng tìm gặp ông cho dù đó là nửa đêm, thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Ông nhận thấy được ý chí của họ khi đến thăm văn phòng Công ty, thấy rõ tinh thần hăng say làm việc và cảm thấy tràn trề năng lượng với những gì họ đang làm.
Qua kinh nghiệm đầu tư vào 15 kỳ lân công nghệ của mình, Hans thấy được nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thành công, những “bí kíp” mà giờ đây ông đang sử dụng để chỉ dẫn các nhà sáng lập doanh nghiệp đi đúng hướng.
Là nhà đầu tư mạo hiểm, Hans Tung không tìm người thông minh nhất, mà tìm thật nhiều dữ liệu tốt. Giá trị thặng dư lớn nhất của các quỹ đầu tư là trở thành người hướng dẫn, tư vấn cho các nhà sáng lập doanh nghiệp để giúp họ vượt qua những thách thức, thông qua việc sử dụng những kinh nghiệm mà quỹ có được từ những trường hợp thành công trong quá khứ.
Ví dụ, trong lĩnh vực phương tiện giao thông cỡ nhỏ, quỹ này đã đầu tư vào Hello tại Trung Quốc, Grab tại Đông Nam Á, Lime tại Mỹ và Grin plus Yellow, hay còn gọi là Grow, tại thị trường Mỹ
La-tinh. Thông qua các mối quan hệ và chuyên môn, Quỹ giúp Didi trở thành một trong những nhà đầu tư của Grab và sẽ giúp công ty này thiết lập hoạt động kinh doanh tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Theo Hans Tung, các nhà sáng lập doanh nghiệp cần phải nghĩ về những mục tiêu họ muốn đạt được trước khi thành lập công ty. Không phải start-up nào cũng cần tiền từ quỹ đầu tư mạo hiểm.
Với những start-up mong muốn định giá doanh nghiệp của mình và kêu gọi vốn, họ cũng nên dự tính trước những gì mình có thể đem lại cho các quỹ đầu tư.
“Nếu như một công ty không thể tự đánh giá giá trị của mình hoặc kết quả hoạt động không mấy sáng sủa, các quỹ cũng không cảm thấy hào hứng tham gia đầu tư. Chi phí cơ hội của nguồn lực chúng tôi đang sở hữu là rất lớn”, Hans Tung cho biết.
Ngược lại, theo Trần Việt Hùng, các doanh nghiệp và start-up cần xem lịch sử danh mục đầu tư của các quỹ, các công ty đó có phát triển thành các công ty tốt không và nhà sáng lập của các công ty đó là người thế nào.
Đặc biệt, mỗi quỹ có một chiến lược đầu tư khác nhau, ví dụ, quỹ đến từ Mỹ thường quan tâm tới khả năng tăng trưởng, trong khi các quỹ châu Á nói chung quan tâm tới dòng tiền nhiều hơn.
Ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương (Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC) đưa ra một số tiêu chí để đánh giá các quỹ qua vài câu hỏi.
Ví dụ, họ là quỹ đầu tư thật sự hay chỉ là nhà môi giới? Nếu là quỹ thì chiến lược của quỹ là đầu tư vào ngành nào hay đa ngành? Chiến lược đó có phù hợp với chiến lược của start-up, doanh nghiệp không?
Theo ông Robert Trần, start-up cần đặc biệt để ý đến nhân sự làm việc trực tiếp với mình, đây là điều rất quan trọng, vì phần lớn các thương vụ đầu tư bị thất bại do nhân sự của quỹ quá yếu.
“Start-up phải tự đặt câu hỏi liên tục: Vì sao cần tiền? Có thật sự cần và có cách nào khác ngoài việc kêu gọi quỹ đầu tư? Quỹ có giúp ích gì được doanh nghiệp ngoài tiền, mối quan hệ và thị trường”, ông Robert Trần cho biết.
Những câu hỏi này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các start-up, doanh nghiệp ở Việt Nam đang bắt đầu hiểu được điểm cộng và trừ của việc mua bán - sáp nhập (M&A) và cũng có nhiều cách làm khác nhau ngoài giải pháp M&A.
Trong khi đó, các quỹ đầu tư cũng bắt đầu định hình thị trường, nhưng vì thị trường M&A Việt Nam còn nhỏ, rất khó để đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực cụ thể, buộc quỹ phải đầu tư dàn trải, miễn sao có lãi, bởi áp lực của quỹ với người bỏ tiền vào quỹ là phải tìm càng nhiều thương vụ càng tốt.
Trong nửa đầu 2019, tổng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty công nghệ Đông Nam Á đạt 3,4 tỷ USD, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dòng vốn mạo hiểm đến từ các quỹ đầu tư Trung Quốc chiếm gần 20%, đạt 667 triệu USD, so với mức 148 triệu USD cùng kỳ 2018.
Trong bối cảnh hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc sụt giảm do tác động của cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, cùng những lo ngại xung quanh đà tăng trưởng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ Trung Quốc chảy sang các start-up công nghệ Đông Nam Á trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 4 lần. Trong khi đó, dòng vốn rót vào các công ty công nghệ tại Trung Quốc bị giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 9 tỷ USD.
(Nguồn: Dữ liệu từ Refinitiv)