|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quy hoạch ngành than: vẫn còn đếm cua trong lỗ

06:50 | 19/09/2016
Chia sẻ
Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến 2030 vừa được phê duyệt điều chỉnh.
 2744
Khai thác than ở Quảng Ninh. Ảnh: MINH KHUÊ

Nội dung quan trọng nhất của quy hoạch là xác định sản lượng than. Sản lượng than nhiều hay ít phải được xác định trên cơ sở của trữ lượng than, chứ không phải của tiềm năng than. Quy hoạch lần này vẫn không phân biệt rành mạch khái niệm “trữ lượng than” (coal reserve) với “tiềm năng than” (coal resource). Tiềm năng than (hay tài nguyên than) có thể lớn gấp hàng trăm lần so với trữ lượng than. Hai khái niệm này không nên trình bày mập mờ (trong một bảng số liệu) trong quy hoạch.

Cơ sở của quy hoạch

Về tiềm năng than

Trong quy hoạch lần này, tổng tiềm năng của than được xác định gần 49 tỉ tấn. Trong đó, bể than Quảng Ninh được coi là trọng tâm của quy hoạch, nhưng tiềm năng về than của bể than Quảng Ninh chỉ có 6,3 tỉ tấn, chiếm 13%, nhưng lại bao gồm cả các đối tượng than thuộc các khu vực không được phép đưa vào quy hoạch, như: khu vực cần bảo vệ, không được cấp phép (Bảo Đài - Yên Tử); khu vực cấm, tạm cấm khai thác (1,6 tỉ tấn); và khu vực đô thị, tâm linh, quốc phòng (0,4 tỉ tấn).

Tiềm năng về than của bể than đồng bằng sông Hồng được dự báo/dự tính trên cơ sở phân tích các số liệu của hơn 100 lỗ khoan thăm dò dầu khí và 115 lỗ khoan thăm dò than. Tuy nhiên, điều này không có cơ sở vì cho đến nay vẫn chưa thử nghiệm được công nghệ khai thác.

Như vậy, con số 49 tỉ tấn than trong quy hoạch lần này vẫn chỉ là “tính cua trong lỗ”.

Ngành than đã bị dồn vào chân tường. Về mặt kỹ thuật, trữ lượng than còn lại rất ít; chất lượng than đang ở mức thấp nhất; công nghệ khai thác ngày càng khó khăn. Về mặt kinh tế, giá thành khai thác cao, giá bán than thấp, ngành than không có tích lũy, nhu cầu đầu tư lớn.

Về trữ lượng than

Trong tổng số 49 tỉ tấn được gọi là “tổng tài nguyên than” của Việt Nam, chỉ có 2,26 tỉ tấn (chiếm 4,5%) có thể coi là “trữ lượng than địa chất”.

Với điều kiện mỏ - địa chất như ở Việt Nam, với các dạng công nghệ hiện có, trữ lượng than có thể khai thác được (trữ lượng công nghiệp) chỉ chiếm 40-50% trữ lượng than địa chất. Tức, trữ lượng công nghiệp của than khoảng một tỉ tấn.

Hiện nay, tổn thất than trong khai thác lộ thiên khoảng 5% và trong khai thác hầm lò khoảng 30% so với trữ lượng than công nghiệp (đã tính cả hệ số làm bẩn). Trong thời gian tới, tỷ trọng công nghệ khai thác lộ thiên là 40-45% (sẽ giảm dần) và tỷ trọng khai thác hầm lò là 55-60% (sẽ tăng dần). Như vậy, tổn thất than trong khai thác khoảng 18,75-20% so với trữ lượng công nghiệp.

Giá thành than (đơn vị tính 1.000 đồng/tấn) ngày càng tăng nhanh và đã tiệm cận giá bán than (xem bảng 1).

 2744

Trong đó, các khoản thuế, phí về bảo vệ môi trường và về tài nguyên năm 2014 là 166.000 đồng/tấn, chiếm 12% giá thành của than được bán ra.

Giá bán than bình quân giảm mạnh do chất lượng than thương phẩm ngày một giảm và phẩm cấp than ngày một thấp. Vì vậy, lợi nhuận của ngành than đã giảm mạnh từ 10.000 tỉ đồng trong năm 2010 xuống còn 3.537 tỉ đồng trong năm 2014.

Như vậy, khả năng tích lũy cho đầu tư ngày càng giảm. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2030 là 247.310 tỉ đồng, bình quân 16.487 tỉ đồng/năm (lớn gấp hơn 20 lần khả năng tích lũy năm 2015 của TKV).

Về chất lượng than

Các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã buông lỏng quản lý về chất lượng sản phẩm than, đã ban hành quá nhiều tiêu chuẩn về chất lượng than. Thực tế hiện nay, ở khu vực có khai thác than, bất kỳ hòn than hay hòn đá xít lẫn than nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, không cao thì thấp, đều được Nhà nước công nhận là “than”. Đây là một kẽ hở rất lớn trong quản lý các mỏ khai thác than, là nguyên nhân đang làm cho phong trào than thổ phỉ ngày càng phát triển, khả năng than của các mỏ bị ăn cắp để tuồn ra ngoài ngày càng tăng.

Về cân đối cung - cầu

Theo kịch bản cơ sở của quy hoạch, trong tương lai, sản lượng than trong nước chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu của nền kinh tế. Lượng than nhập khẩu sẽ tăng rất nhanh (xem bảng 2).

 2744

Tóm lại, ngành than đã bị dồn vào chân tường:

Về mặt kỹ thuật: trữ lượng than còn lại rất ít; chất lượng than đang ở mức thấp nhất; công nghệ khai thác ngày càng khó khăn.Tóm lại, ngành than đã bị dồn vào chân tường:

Về mặt kinh tế: giá thành khai thác cao, giá bán than thấp, ngành than không có tích lũy, nhu cầu đầu tư lớn.

Những đề xuất

Trong tương lai, ngành than phải thay đổi về tư duy công nghệ khai thác. Từ trước đến nay, việc khai thác than được tư duy (từ đào tạo, nghiên cứu, đến quy hoạch phát triển) đều theo hướng “lộ thiên - hầm lò”. Ranh giới giữa khai thác lộ thiên và hầm lò khá rõ nét về tất cả các khâu (từ mở vỉa, chuẩn bị khai trường, khai thác, vận tải, thông gió, thoát nước, cấp điện...). Như vậy vẫn chưa đủ. Hiện nay, các mỏ than lộ thiên lớn của Việt Nam đã và đang khai thác ở mức sâu hơn nhiều so với mức khai thác của nhiều mỏ hầm lò. Ngược lại, nhiều mỏ hầm lò, do những ấu trĩ về công nghệ trong thời gian qua, đã khai thác một cách mù quáng các lộ vỉa, thủ tiêu ưu thế của công nghệ hầm lò và tự hứng chịu mọi bất lợi của công nghệ lộ thiên (nước mặt, môi trường). Phần lớn các vấn đề hiện nay liên quan đến độ sâu khai thác. Đặc biệt là vấn đề điều khiển áp lực mỏ và hiệu quả kinh tế.

Cần dẹp ngay các tiêu chuẩn than hiện có (quá nhiều tiêu chuẩn), tuy muộn còn hơn không vì đây là lý do dẫn đến việc tồn kho 12 triệu tấn than hiện nay. Ngành than phải chuyển sang chế biến những loại than thị trường cần (thay vì chỉ làm ra cái mình có). Trên thị trường năng lượng của Việt Nam (cũng như của thế giới), hiện than được sử dụng (đốt) trong các loại lò công nghiệp, gồm: lò hơi (sản xuất điện, giấy, vải sợi, alumina), lò quay (sản xuất xi măng), lò cao (luyện cốc), lò khí hóa (sản xuất phân bón, hóa chất), và lò tunnel (sản xuất vật liệu xây dựng). Mỗi một loại lò này có nguyên lý vận hành và nhu cầu về chất lượng than khác nhau. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước nên nhanh chóng ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng than ứng với các mục tiêu sử dụng (cho năm loại lò trên) thay thế cho các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn ngành (TCN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) hiện có.

Về quy hoạch phát triển, cần chuyển từ “quy hoạch” sang “tổng sơ đồ” để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Cần vốn hóa trữ lượng than (với giá trị khoảng 3-5 đô la Mỹ/tấn) để chuyển trữ lượng than thực sự là tài sản tự có của doanh nghiệp. Như vậy, với trữ lượng than toàn ngành hiện nay khoảng một tỉ tấn, tài sản cố định và tự có của ngành than sẽ tăng lên 3-5 tỉ đô la Mỹ. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp huy động được vốn trên thị trường thuận lợi hơn.

Ngành than cần được tổ chức lại trên cơ sở cổ phần hóa triệt để theo hướng: Nhà nước chỉ cần giữ lại giá trị cổ phần tương đương với giá trị vốn hóa của trữ lượng than (như nói trên) ở các mỏ đã được cấp phép khai thác. Trong ngành, chỉ cần duy trì hai doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mang tính độc quyền là Tổng công ty Vận tải Mỏ đảm nhận chức năng vận tải than và đất bốc cho các mỏ và đơn vị trong ngành (tương tự như Tổng công ty Truyền tải điện của EVN) và Tổng công ty Địa chất Mỏ thực hiện chức năng thăm dò/khảo sát/nghiên cứu địa chất (bằng nguồn vốn tái sản xuất mở rộng của ngành).

Theo TS. Nguyễn Thành Sơn

Saigontimes


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.