|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quy hoạch điện VIII: Bước đột phá trong ngành năng lượng - Bài cuối: Sớm hiện thực hóa mục tiêu Net Zero

22:16 | 20/05/2023
Chia sẻ
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 đẩy mạnh năng lượng tái tạo, nhưng để đạt được thì cần có một kế hoạch chi tiết hơn, đồng thời cần có chính sách rõ ràng hơn, minh bạch hơn từ Chính phủ.

Sơn Hà đã phát triển hàng trăm hệ thống điện mặt trời áp mái trên cả nước với tổng công suất hơn 20 Mwp, tạo ra hàng chục triệu Kwh điện và giảm phát thải trên 20 nghìn tấn khí CO2. (Ảnh: TTXVN)

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu tiếp tục phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo gồm: điện gió trên bờ; điện gió ngoài khơi; điện mặt trời; điện sinh khối, điện sản xuất từ rác… với tỷ lệ trong tổng cơ cấu nguồn điện lên 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và mục tiêu đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Đây được xem là tín hiệu vui với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, để triển khai và sớm đạt mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng lập và đưa ra kế hoạch cho phát triển, lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, đủ năng lực.

Mong đợi của nhiều nhà đầu tư

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3,5 GW của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) nằm ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận khi hoàn thiện xây dựng dự kiến có thể cung cấp điện cho khoảng 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm. Dự án này có số vốn đầu tư 10,5 tỷ USD với tỷ lệ nội địa hóa được dự đoán đạt 44% trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo chia sẻ của ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc, Copenhagen Offshore Partners Việt Nam, đây là con số cho một dự án đơn lẻ và với mục tiêu của Chính phủ đạt công suất hàng chục GW năng lượng tái tạo tại Việt Nam vào năm 2030, lợi ích mang lại cho quốc gia có thể lớn hơn gấp nhiều lần.

“Quy hoạch điện VIII thực sự là điều mà ngành năng lượng tái tạo và doanh nghiệp đang rất cần ở thời điểm này. Điều mà chúng ta cần làm bây giờ là tiếp tục đà đi lên. Cột mốc quan trọng đầu tiên đã đạt được và giờ chúng ta cần có kế hoạch triển khai rõ ràng, cùng với cơ chế lựa chọn nhà đầu tư minh bạch và hợp đồng mua bán điện tuân thủ các tiêu chuẩn đầu tư quốc tế.

Các doanh nghiệp năng lượng tái tạo rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi đã có các nhà cung cấp và hợp đồng cung ứng. Chúng tôi nhận thấy các nhà cung ứng Việt Nam có chuyên môn vững vàng trong một số lĩnh vực nhất định và có thể tham gia cung ứng trong quá trình phát triển dự án”, ông Stuart Livesey nói.

Sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua, trong các bước quan trọng tiếp theo, Chính phủ và các bên liên quan khác sẽ cần giải quyết một số vấn đề để triển khai các công trình điện gió ngoài khơi; trong đó, ưu tiên việc thiết lập và đưa ra kế hoạch thực hiện để nêu rõ cách thức lựa chọn và phân bổ dự án, lý tưởng nhất là kế hoạch này được soạn thảo trong năm nay và phê duyệt vào đầu năm sau 2024.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia COP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió La Gàn. (Ảnh: TTXVN)

Ông Stuart Livesey cũng đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành có thể lựa chọn một số dự án thí điểm và đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả và đúng thời hạn với sự hỗ trợ của các nhà phát triển có năng lực và kinh nghiệm quốc tế.

Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng các thỏa thuận mua bán điện phù hợp được xây dựng để cung cấp các điều kiện cần thiết cho các nhà đầu tư quốc tế có thể hoàn thành các dự án một cách cạnh tranh; trong đó, cần loại bỏ các rủi ro về việc chấm dứt hợp đồng, cắt giảm điện... hoặc giảm xuống mức có thể kiểm soát được.

Theo chia sẻ của ông Phạm Thế Tuân, Giám đốc điều hành Công ty Sơn Hà Free Solar - Tập đoàn Sơn Hà: “Chúng tôi rất vui mừng khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong tương lai.

Quy hoạch điện VIII thể hiện tầm nhìn đột phá của Chính phủ khi từng bước loại bỏ điện than để tập trung cho điện gió, điện mặt trời, nhằm đảm bảo giảm phát thải về mức 0 vào năm 2050. Dưới góc độ doanh nghiệp thì rất cần các cơ chế chính sách rõ ràng hơn nữa từ Bộ Công Thương và thông suốt đến các địa phương có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.

Chỉ khi nào chính sách rõ ràng thì các nhà đầu tư nước ngoài mới đổ tiền vào Việt Nam. Nếu chính sách không thông suốt sẽ gây nghẽn dòng tiền của các nhà đầu tư và khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào các cơ chế, chính sách của Việt Nam".

Cần cơ chế rõ ràng, thông suốt

Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt chưa lâu và ở giai đoạn này vẫn còn nhiều việc cần thực hiện để đảm bảo các dự án điện sạch có thể được đầu tư và xây dựng theo đúng lộ trình phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Hiện nay, để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch đến năm 2030, chỉ còn khoảng 7 năm để thực hiện Quy hoạch điện VIII; trong đó có từ 1-2 năm cho việc lập và thông qua kế hoạch triển khai, nên thực tế, các cơ quan, bộ, ngành chỉ có 4-5 năm để làm tất cả các công việc từ chuẩn bị đầu tư, đàm phán hợp đồng mua bán điện, lựa chọn nhà thầu và triển khai xây lắp…

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, ông Stuart Livesey cho hay, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần sớm cung cấp một định hướng thị trường rõ ràng cho các nhà đầu tư, bao gồm các chính sách minh bạch, thủ tục rõ ràng và quy trình phê chuẩn kịp thời, nhằm đảm bảo các dự án hạ tầng quy mô lớn ở cấp quốc gia có thể được thực hiện đúng hạn và với chất lượng tốt. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng đấu nối và truyền tải cần thiết để đảm bảo năng lượng ngoài khơi có thể được truyền tải khi các trang trại gió đi vào vận hành.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo các dự án trong giai đoạn đầu được xây dựng dựa trên các nền tảng đảm bảo thông qua việc sử dụng các công ty có kinh nghiệm chuyên môn ở tầm toàn cầu và có khả năng đặt các đơn hàng lớn, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí cho dự án như có các đơn đặt hàng quy mô lớn các tua-bin gió, trụ hay cáp kĩ thuật và các thiết bị hậu cần quan trọng như các tàu lắp đặt trụ tua-bin.

“Điều quan trọng đối với ngành điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là bắt đầu với các dự án được cân nhắc kỹ lưỡng với sự hỗ trợ của những nhà phát triển có năng lực và kinh nghiệm quốc tế, nhằm đảm bảo Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII. Mục tiêu là làm sao đảm bảo được an ninh năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng của người Việt Nam”, ông Stuart Livesey nói.

Ông Phạm Thế Tuân, Giám đốc điều hành Công ty Sơn Hà Free Solar - Tập đoàn Sơn Hà. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Phạm Thế Tuân, về cơ bản Quy hoạch điện VIII tạo ra mục tiêu đến năm 2030, nhưng để đạt được mục tiêu đó thì cần có một kế hoạch chi tiết hơn, đồng thời cần có chính sách rõ ràng hơn, minh bạch hơn từ Chính phủ để không chỉ Sơn Hà mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia vào Việt Nam.

"Để thu hút doanh nghiệp, cũng như người dân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo; trong đó có điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, thì cần có các chính sách, quy định về kỹ thuật một cách rõ ràng, minh bạch, bởi bản thân các doanh nghiệp điện mặt trời trong 2 năm qua khi hết giá mua bán điện ưu đãi FIT, các yêu cầu về giấy phép phòng cháy chữa cháy, môi trường, đấu nối… đều đang thiếu hướng dẫn để thực hiện", ông Phạm Thế Tuân kiến nghị.

Ông Phạm Thế Tuân đề xuất thêm sau Quy hoạch điện VIII, doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định, tiêu chuẩn rõ ràng hơn về điện mặt trời mái nhà, đấu nối để phát triển loại năng lượng tự sản tự tiêu thuận lợi.

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng Trần Kỳ Phúc, để đảm bảo các nguồn năng lượng tái tạo đi vào vận hành thời gian tới hiệu quả, việc phát triển lưới điện phải đồng bộ với nguồn điện. Sau khi quy hoạch được duyệt, kế hoạch thực hiện sẽ được cụ thể hóa; trong đó những nguồn điện sẽ được đầu tư trong giai đoạn tới sẽ đi cùng với đầu tư lưới điện để giải tỏa công suất đi kèm.

Kế hoạch này được đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, địa phương và đảm bảo khi nguồn điện được vận hành thì lưới điện cũng có thể đáp ứng được…

Đức Dũng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.