Quy hoạch 6 cụm cảng biển lớn kết nối các tuyến cao tốc
Chiều 7/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định của Thủ tướng, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước.
Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ tấn đến hơn 1,4 tỷ tấn. Trong đó, hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong cả năm 2020, Bộ GTVT đã tập trung xây dựng 5 quy hoạch tổng thể ngành GTVT theo Luật Quy hoạch mới.
Liên quan đến quy hoạch cảng biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định việc thực hiện quy hoạch sẽ được tập trung vào 6 cụm cảng chính.
Cụ thể, cụm cảng thứ nhất sẽ tập trung nâng cấp hệ thống cảng biển Hải Phòng. Đưa cảng Lạch Huyện trở thành cảng phục vụ riêng hàng container. Cảng Đình Vũ - sông Cấm được tiếp tục duy trì, phục vụ khu công nghiệp tại khu vực. Hàng rời, hàng lỏng, hàng khí, định hướng sẽ chuyển về khu vực Nam Đồ Sơn, Văn Úc.
Riêng đối với khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc, đây là điểm đột phá tại quy hoạch lần này. Khu bến được quy hoạch, hình thành không chỉ thúc đẩy sự phát triển các khu/cụm công nghiệp phía Nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà còn là động lực thúc đẩy công nghiệp phát triển ở cả tỉnh Thái Bình tiếp giáp.
Hạ tầng kết nối với khu vực cảng biển phía Bắc tới đây cũng sẽ thuận lợi hơn khi có đường Vành đai 4 Hà Nội và hệ thống đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa dọc sông Hồng.
Cụm cảng tiềm năng thứ 2 là Thanh Hóa. Với lợi thế có cảng hàng không (CHK) Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn đang phát triển mạnh cùng một loạt các dự án giao thông đã và sẽ nghiên cứu triển khai như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có thể kết nối với cảng biển, các cảng tại Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ hoàn toàn có tiềm năng đột phá.
Cụm cảng thứ 3 là cụm cảng Đà Nẵng với lợi thế kết nối gần nhất với Nam Lào, Bắc Campuchia, kết nối ngã 3 Đông Dương qua Thái Lan. Cùng với CHK quốc tế Đà Nẵng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, cụm cảng Đà Nẵng sẽ là động lực kinh tế, thu hút đầu tư phát triển vùng.
Theo Bộ trưởng, thứ 4 là cảng biển Khánh Hòa với khu vực Vân Phong có lợi thế tự nhiên vô cùng thuận lợi, có thể làm cảng cửa ngõ lớn nhất Việt Nam.
Để phát triển cụm cảng này, một đường cao tốc nối Vân Phong kết nối vùng Tây Nguyên xuống Vân Phong, Khánh Hòa sẽ là khu vực tiềm năng phát triển cụm cảng, từng bước biến khu vực thành vùng động lực của Tây Nguyên.
Cụm cảng thứ 5 là Cái Mép - Thị Vải. Theo Bộ trưởng GTVT, đây là cụm cảng được kỳ vọng kỳ vọng rất lớn thời kỳ này.
Cơ hội còn rộng mở hơn nữa khi một loạt các dự án đường cao tốc đang được xem xét triển khai như: Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP HCM - Chơn Thành qua Bình Dương, Bình Phước, cao tốc TP HCM - Mộc Bài qua Campuchia.
Cụm cảng số 6 là cảng Trần Đề. Quy hoạch xác định sẽ nghiên cứu, hình thành cảng Trần Đề cùng với cao tốc Cần Thơ - Trần Đề, Cần Thơ - Châu Đốc, Cần Thơ - Cà Mau cộng với CHK quốc tế Cần Thơ, khu vực ĐBSCL sẽ được công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Bộ GTVT sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo sân chơi cho nguồn vốn xã hội hóa rót tiền đầu tư vào cảng biển. Các địa phương cần phối hợp với Bộ GTVT xây dựng các cảng biển, đồng thời kêu gọi xúc tiến, trải thảm cho các nhà đầu tư" Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.