|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quy hoạch 2 bên sông Hồng: Bài toán hóc búa dành cho Hà Nội

07:30 | 02/04/2017
Chia sẻ
“Dù chúng ta có vẽ đến đâu, có đầu tư như thế nào nhưng sông Hồng có cấu trúc địa văn, thủy tầng rất đặc biệt không giống con sông khác. Đây là một bài toán đặt ra khi lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng”, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao đổi với Reatimes.

- Việc Hà Nội đang nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thưa ông, có phải câu chuyện này đã được bàn bạc từ nhiều năm trước nhưng vẫn dang dở?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Việc này bây giờ không phải là mới. Năm 1994, Hà Nội đã có một dự án của Singapore mang tên “Trấn sông Hồng” nhưng sau thời gian khởi động thì sau này không thấy nhắc đến nữa.

Sau đó, bước sang thế kỷ XXI, vào năm 2003, được sự tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc, Hà Nội tiến hành lập dự án Quy hoạch thành phố sông Hồng. Khi đó Hà Nội chưa sáp nhập với Hà Tây và cũng chưa có quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Thời gian đó, quy hoạch của Hàn Quốc dựa trên thành phố bên sông Hàn, trên diện tích khoảng 2.500ha, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 7 tỷ USD. Đây là một đồ án quy hoạch rất lớn và được sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng, Bộ Xây dựng...

Sau khi đề án được lập, trên cơ sở đề án này, Hà Nội đã cử rất nhiều đoàn đi nước ngoài tham quan. Cũng có rất nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành của Hội KTS Việt Nam, giới thủy lợi được tổ chức... nhưng cuối cùng sau một thời gian rất sôi động thì cũng không thấy đề án này được nhắc đến.

quy hoach 2 ben song hong bai toan hoc bua danh cho ha noi
KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam.

- Hiện ngoài Viện Quy hoạch và Xây dựng, Hà Nội đã mời một số đơn vị tư vấn nước ngoài vào cuộc nghiên cứu, lập quy hoạch thành phố ven sông Hồng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Hiện việc lập quy hoạch này được sự tài trợ tài chính của 3 doanh nghiệp lớn, thành phố cũng đang lấy số liệu để cho bên lập dự án khởi động bước đi ban đầu.

Theo tôi được biết thì Viện Quy hoạch và thiết kế TP. Hàng Châu (Trung Quốc) chỉ là một trong một số đơn vị tư vấn được mời. Quan điểm của tôi thì việc lập quy hoạch ai làm cũng được nhưng cần phải lưu ý con sông Hồng khác hoàn toàn các con sông đã được quy hoạch tại châu Âu.

- Ông cho rằng sông Hồng khác hoàn toàn các con sông ở châu Âu. Vậy khác ở điểm nào và từ những điểm khác biệt đó, khi lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng cần lưu ý những vấn đề gì?

Sông Hồng có đặc thù là lượng phù sa lớn. Hoạt động thủy văn bên lở, bên bồi. Việc lở, bồi lượng phù sa lớn trải qua hàng triệu năm đã bồi đắp lên một đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, tạo ra nền văn minh lúa nước và văn hóa sông Hồng. Đây là điều rất đặc trưng mà không có một con sông nào có cả.

Hiện việc lập thành phố 2 bên sông Hồng là cực kỳ cần thiết. Thứ nhất, nó giải phóng được sự nhếch nhác của hai bên bờ, đặc biệt là phía bên phải. Hiện phía này rất nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, kiến trúc rất phức tạp, còn tiện nghi sống của người dân ở đó rất thiếu thốn.

Cái thứ hai, khi lập đề án này, thành phố mong muốn, kỳ vọng sẽ sử dụng được quỹ đất lớn. Vì cả hai bên bây giờ kéo dài 40km thì không có là 2.400ha nữa mà tăng lên rất nhiều lần. Đây là quỹ đất mà nhiều nhà đầu tư BĐS kỳ vọng vào. Người ta cũng tính toán lập đề án này sẽ tạo đà để kích thích sự phát triển về kinh tế...

quy hoach 2 ben song hong bai toan hoc bua danh cho ha noi
Sau nhiều năm dang dở, Hà Nội vừa tái khởi động lại việc lập dự án quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng. Ảnh minh họa

Thế nhưng theo cá nhân tôi, thực tế của sông Hông không phải như mong muốn mà phải tạo cho khu vực ven sông Hồng vùng đệm sinh thái đối với thành phố nội đô. Việc tạo, nắn lại tuyến đê, kè bên bờ sông để tạo một thành phố với những tòa nhà cao tầng soi bóng xuống mặt nước là điều không thực hiện được. Cần nhìn nhận thành phố bên sông Hồng này là thành phố sinh thái, ở đó có các đô thị, cây xanh, công viên và những công trình không cao tầng.

Ở đó sẽ làm bãi đỗ xe, công viên văn hóa, khu du lịch, thậm chí có thể làm vùng rau sạch. Chúng ta có xây nhà cao tầng nhưng chỉ là xen kẽ bên trong để tạo một vùng đệm của một đô thị chuyển tiếp vào bên trong thành phố rất sôi động và phát triển.

Một điểm quan trọng khi lập dự án này là phải tính đến an ninh nguồn nước, an ninh quốc phòng và sự phát triển bền vững lâu dài.

Ở Hà Lan khi người ta làm hệ thống kè, đường bao ven biển họ phải tính tần suất 1/1.000 (1.000 năm mới có sự cố một lần). Còn ở đây, sông Hồng của ta rất khắc nghiệt, lại chảy từ phương Bắc, trên thủy văn đó chúng ta không làm chủ được, nguồn thế nào, lưu lượng ra sao, đập thế nào... Có thể 10 năm trở lại đây không có nước nhưng trước biến đổi khí hậu toàn cầu và những bất ổn về vấn đề an ninh hiện nay, không ai lường trước được sông Hồng sẽ như thế nào cho nên phải tính toán rất kỹ.

Thứ ba, quy hoạch sông Hồng là địa phận của Hà Nội nhưng là Thủ đô của cả nước nên cần có Hội đồng quốc gia thẩm định dự án này dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự tham vấn của các Bộ, ngành: Xây dựng, Thủy lợi, Giao thông, các hội chuyên ngành và các nhà khoa học, và phải đặt mục đích sự bền vững của Hà Nội là cao nhất.

Dù chúng ta có vẽ đến đâu, có đầu tư như thế nào nhưng sông Hồng có cấu trúc địa văn, thủy tầng rất đặc biệt không giống con sông khác. Đây là một bài toán đặt ra khi lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng.

Hơn nữa, sông Hồng gắn với sự phát triển của nước ta, gắn với sự phát triển của Thăng Long cho nên bản sắc sông Hồng nó phải được gửi gắm vào thành phố ven sông Hồng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tuấn Minh (thực hiện)