|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quy định mới về kinh doanh vận tải: Tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng

06:50 | 06/08/2018
Chia sẻ
Theo quy định mới mà Bộ GTVT trình Chính phủ về quản lý hoạt động vận tải taxi, đặc biệt là với loại hình mới như Grab, Uber; cho thay đổi toàn bộ thiết bị giám sát hành trình ô tô (hộp đen), doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng.
quy dinh moi ve kinh doanh van tai ton them hang nghin ty dong
Sau khi bắt buộc doanh nghệp bỏ hàng nghìn tỷ đồng lắp hộp đen, Bộ GTVT lại đề xuất thay mới. Ảnh minh họa.

Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng

Theo Nghị định 171/NÐ-CP, trước ngày 1/7/2016, khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải) phải gắn hộp đen, với chi phí doanh nghiệp (DN) bỏ ra ước tính trên 3.000 tỷ đồng. Nay số hộp đen này nguy cơ sẽ bị vứt bỏ nếu quy định mới mà Bộ GTVT vừa đề xuất Thủ tướng được ban hành. Ngoài việc đề nghị bổ sung thêm quy định về loại phương tiện phải gắn hộp đen (xe trung chuyển), Bộ GTVT còn đề xuất thêm nội dung dữ liệu hộp đen phải lưu trữ. Cụ thể như thông tin về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày, hình ảnh hoạt động của lái xe. Với quy định mới này, các thiết bị hộp đen cũ đã lắp doanh nghiệp sẽ phải thay đổi, hoặc phải lắp mới.

Việc lắp đặt và truyển tải dữ liệu hình ảnh về hoạt động của lái xe thực hiện theo lộ trình: Với xe khách theo hợp đồng, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên phải thực hiện trước ngày 1/7/2022; Với xe khách tuyến cố định, xe buýt, container, xe đầu kéo rơ moóc thực hiện trước 1/7/2023; Với xe tải hàng hóa từ 20 tấn trở lên thực hiện trước ngày 1/7/2024; Với xe khách dưới 9 chỗ phải thực hiện từ 1/7/2025. Bộ GTVT đánh giá, việc bổ sung thêm phương tiện và yêu cầu về hộp đen phải cung cấp được hình ảnh lái xe sẽ làm tăng thêm quy định và chi phí DN.

Ðiều này đi ngược với quy định cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh của Chính phủ. Theo tính toán của đơn vị soạn thảo, sẽ có trên 340.000 ô tô kinh doanh vận tải hiện phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị hộp đen để đáp ứng yêu cầu về cung cấp hình ảnh lái xe. Với giá thiết bị hộp đen từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/chiếc, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng. Tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới khoảng 1.500 - 1.900 tỷ đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho hay, quy định hộp đen trên mới được đưa vào dự thảo nghị định. Các dự thảo trước đó Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến DN không có nội dung trên.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, hiệp hội và DN của ông cũng không được lấy ý kiến về quy định lắp hộp đen trên. Theo ông Liên, cần xem hộp đen ô tô là công cụ để DN quản lý phương tiện và con người của mình, không nên bắt DN trang bị để cơ quan quản lý dựa vào đó xử phạt vi phạm, trừ khi có tai nạn, hoặc phát hiện vi phạm mới trích xuất hộp đen để thêm cơ sở xử lý.

Về việc lắp đặt hộp đen cho ô tô những năm qua, ông Liên cho rằng, chưa mang lại nhiều hiệu quả, lại tốn kém cho DN.

Hàng nghìn tỷ đã được các DN vận tải chi ra để lắp hộp đen, nay Bộ GTVT lại “đùng đùng” đưa ra yêu cầu phải thay đổi, lắp mới, tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng nữa là rất lãng phí. “Những năm qua, DN vận tải đang rất khó khăn, do giá nhiên liệu tăng. Việc lắp hộp đen thay vì cơ quan nhà nước cho thí điểm để tổng kết, đánh giá lại áp dụng đại trà. Nay xảy ra một số vụ tai nạn, thấy thiếu thông tin mới bổ sung thêm lại yêu cầu DN phải thay toàn bộ thiết bị đã lắp đặt là rất lãng phí, thiếu trách nhiệm”, ông Liên nói.

Ðề xuất Grab, Uber không phải taxi

Cũng trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 trình Thủ tướng, Bộ GTVTgiữ quan điểm hình thức sử dụng phần mềm để kết nối khách hàng với lái xe, định giá cước… đều là hoạt động kinh doanh vận tải. Dự thảo Nghị định cũng được xây dựng theo hướng Uber, Grab… tiếp tục là xe hợp đồng điện tử (không phải taxi điện tử), nhưng có một số điều kiện khác để loại hình này hoạt động như taxi. Ðây được xem là phương án 1, Bộ GTVT nghiêng về lựa chọn phương án này. Theo đó, chỉ DN, hợp tác xã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mới được sử dụng ô tô dưới 9 chỗ để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử; trên xe phải dán phù hiệu xe hợp đồng điện tử…

Với phương án 2 về quản lý Uber, Grab… trong Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT đưa ra theo đề xuất của các DN taxi. Theo đó, quy định toàn bộ các phương tiện kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền (bao gồm cả Uber, Grab) phải là taxi.

Lê Hữu Việt