|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quỹ công đoàn kết dư hơn 43.200 tỷ đồng

13:50 | 18/06/2024
Chia sẻ
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết số dư tài chính cấp cơ sở hơn 12.370 tỷ đồng và ba cấp còn lại trên 30.800 tỷ, tính đến 31/12/2023.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thông tin nguồn tiền kết dư tại công đoàn cấp quận huyện là gần 8.700 tỷ đồng, liên đoàn tỉnh thành và tương đương 15.355 tỷ đồng và Tổng liên đoàn 6.789 tỷ đồng.

Kết dư tại cấp cơ sở sau Tết Nguyên đán thường được dùng hết để chăm lo cho đoàn viên, lao động. Ba cấp còn lại sẽ điều tiết kinh phí xuống cấp dưới trực tiếp nếu kết dư không đủ chi.

Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH hiện nay của người lao động khoảng 5,7 triệu đồng/tháng thì mỗi năm, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng. 75% số kinh phí đã đóng này (khoảng một triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động (thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa, thể thao).

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã bổ sung một số nhiệm vụ chi mới để phù hợp với thực tiễn như chi cho công đoàn cơ sở doanh nghiệp gặp khó khăn, chi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động.

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn, kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, hạch toán vào giá thành sản phẩm, trung bình khoảng 0,38%. Khảo sát thực tế các doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường Việt Nam cho thấy vấn đề vướng mắc chủ yếu là do thủ tục hành chính hoặc xung đột thể chế, pháp luật; ít ý kiến liên quan đến nộp 2% kinh phí công đoàn do đây không phải gánh nặng cho doanh nghiệp.

Lao động dệt may Tại công ty may 10. (Ảnh: Ngọc Thành).

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết các cấp công đoàn phải công khai tài chính hàng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn bằng cách niêm yết tại trụ sở làm việc; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản; đưa lên trang thông tin điện tử; phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ quan kiểm tra của Công đoàn có quyền yêu cầu kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn và "Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định".

Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra) tán thành công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ về tài chính công đoàn. Tuy nhiên, dự thảo không quy định rõ ràng về chủ thể kiểm toán là kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập hay kiểm toán nội bộ. Dự luật cũng chưa nêu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm báo cáo việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn cho ai. Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn trong dự thảo nội dung này làm cơ sở Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn giai đoạn 2013-2021 nêu tổng thu tài chính công đạt 143.999 tỷ đồng. Trên 63% nguồn tài chính đến từ đóng góp 2% kinh phí của doanh nghiệp, người lao động đóng góp chiếm 24,7%, các nguồn thu khác 11,9% và ngân sách nhà nước hỗ trợ phần nhỏ, chỉ 0,35%.

Nguồn thu mỗi năm tăng bình quân 12% do tăng lương cơ sở, lương tối thiểu, đoàn viên công đoàn ngày càng đông. So với năm 2012, tổng thu tài chính công đoàn tới hết năm 2021 tăng 2,5 lần, riêng kinh phí công đoàn tăng gần 2,7 lần và đoàn phí tăng 2,4 lần, các khoản thu khác cũng tăng 1,54 lần.

Sơn Hà - Hoàng Phương