Nợ bảo hiểm xã hội đã lên hơn 14.200 tỉ đồng
|
Tại hội nghị triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra sáng nay ngày 16-11, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết tính đến hết tháng 10, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên tới 14.237 tỉ đồng, trong khi con số nợ BHXH cuối tháng 9 là 13.100 tỉ đồng.
Theo ông Liệu, số nợ trên chưa kể số nợ của các đơn vị đã giải thể, bỏ trốn… Số nợ lớn như trên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động khi họ trích tiền lương đóng BHXH nhưng bị doanh nghiệp chiếm dụng và do đó người lao động cũng không được hưởng quyền lợi của mình.
Trong tổng số nợ trên thì nợ Quỹ BHXH là 9.550 tỉ đồng, trong đó số tiền nợ BHXH thời gian từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỉ đồng, chiếm 72% số tiền nợ BHXH. Nợ BHTN là 516 tỉ đồng, nợ BHYT là 4.170 tỉ đồng.
Theo Cơ quan BHXH Việt Nam, nguyên nhân nợ các loại bảo hiểm là do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của chủ sử dụng lao động và từ cơ quan BHXH các cấp. Một số giám đốc BHXH tỉnh chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu và thu hồi nợ, chưa chủ động báo cáo và đề xuất UBND các cấp chỉ đạo, xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
“BHXH các tỉnh chưa phối hợp thường xuyên với cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng để đôn đốc chuyển tiền đóng BHYT cho một số đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng. Cá biệt, BHXH tỉnh An Giang từ tháng 1-2015 đến tháng 9-2016 chưa thu được tiền đóng BHYT với số tiền là 66 tỉ đồng”, ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban thu, Cơ quan BHXH Việt Nam nói.
Theo Luật BHXH 2014, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được giao thêm nhiệm vụ khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, chiếm dụng tiền của người lao động. Ông Liệu cho hay, để đảm bảo kế hoạch thu, ngoài việc mở rộng đối tượng tham gia, đốc thu thì cần phải giảm số nợ BHXH xuống thông qua việc khởi kiện doanh nghiệp.
Song, dù đã có nhiều biện pháp được thực hiện từ phía Tổng liên đoàn Lao động và BHXH Việt Nam nhưng tới nay mới có duy nhất Liên đoàn Lao động Đà Nẵng tiến hành thủ tục khởi kiện một doanh nghiệp và vẫn chưa có kết quả.
Theo Liên đoàn Lao động các tỉnh, việc khởi kiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng sống dở, chết dở, trên bờ vực phá sản; nếu có khởi kiện thành công cũng khó có thể thi hành án.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu từ nay tới cuối năm, trong số 15 tỉnh thí điểm khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, mỗi tỉnh phải khởi kiện vài vụ để biết khó khăn vướng mắc ở đâu để báo cáo Chính phủ.