Ủy ban Xã hội đề nghị cung cấp việc thu chi 2% phí công đoàn
Chiều 3/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Theo dự luật, kinh phí công đoàn do cơ quan, doanh nghiệp đóng duy trì mức 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban đồng tình với đề xuất duy trì nguồn thu phí công đoàn 2% nhằm duy trì nguồn lực hiện có, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động.
Kinh phí này còn khích lệ người lao động gắn bó với công ty, thúc đẩy doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với người lao động. Trong tương lai, kinh phí công đoàn có thể còn được phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Để đề xuất trên nhận được sự đồng thuận cao, Ủy ban Xã hội đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp thông tin về tình hình thu chi, sử dụng 2% kinh phí công đoàn; thông tin về chậm đóng, trốn đóng và không thu được kinh phí công đoàn. Dựa vào báo cáo này, Quốc hội sẽ có đầy đủ cơ sở để xem xét, quyết định.
Về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, dự thảo được xây dựng theo hai phương án. Phương án 1 phân phối 2% kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nếu có.
Phương án 2 là phân phối khoản thu 2% theo tỷ lệ 25/75. Theo đó, 25% do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng; 75% còn lại sẽ phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo từng trường hợp.
Nếu doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở thì được phân phối toàn bộ 75%. Nếu doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động thì sẽ được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn. Khi doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên tạm giữ toàn bộ 75% kinh phí trên.
Ủy ban Xã hội cho biết quá trình thẩm tra, thành viên Ủy ban vẫn còn hai loại ý kiến. Những người đồng ý với phương án 1 đề nghị Chính phủ phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động căn cứ vào tình hình thực tế để quy định chi tiết. Còn những thành viên đồng tình phương án 2 cho rằng việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thể hiện sự công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải thích việc duy trì nguồn kinh phí công đoàn 2% là cần thiết nhằm khuyến khích xã hội hóa nguồn lực, giúp công đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến. Đại biểu sẽ thảo luận, góp ý xây dựng luật này ở hội trường vào sáng 18/6.