|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quy chế giao dịch mới, kỳ vọng thanh khoản tăng

08:24 | 12/09/2016
Chia sẻ
Từ ngày 12/9/2016, Quy chế giao dịch chứng khoán mới tại 2 Sở giao dịch có hiệu lực, kỳ vọng sẽ giúp thị trường tăng thanh khoản, tăng tính hấp dẫn.

Cụ thể, trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), nhà đầu tư được phép đặt lệnh mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tối đa 500.000 đơn vị/lệnh đối với giao dịch khớp lệnh, thay vì mức tối đa trước đó là 19.990 đơn vị.

Việc nâng khối lượng đặt lệnh tối đa giúp nhà đầu tư mua, bán với khối lượng lớn không phải thực hiện nhiều lệnh, qua đó rút ngắn thời gian đặt lệnh, thời gian khớp lệnh. Trong trường hợp tranh mua hoặc tranh bán, nhà đầu tư có thể đặt lệnh khối lượng lớn với một mức giá có khả năng khớp toàn bộ lượng dư mua hoặc dư bán có thể nhìn thấy trên bảng điện tử.

Bên cạnh đó, HOSE chia nhỏ đơn vị yết giá: 10 đồng đối với cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng, 50 đồng đối với cổ phiếu có thị giá từ 10.000 - 49.950 đồng và 100 đồng đối với cổ phiếu có thị giá từ 50.000 đồng trở lên. Đơn vị yết giá theo quy định cũ là 100 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng, tương ứng với các chứng khoán có thị giá dưới 50.000 đồng, từ 50.000 đồng và từ 100.000 đồng trở lên. Đơn vị yết giá mới đối với chứng chỉ quỹ là 10 đồng, áp dụng cho tất cả các mức giá.

Theo HOSE, đơn vị yết giá nhỏ phù hợp với thông lệ chung của các thị trường trong khu vực như đơn vị yết giá nhỏ nhất của thị trường Thái Lan và Đài Loan khoảng 7 đồng, Singapore khoảng 16 đồng, Hàn Quốc khoảng 19 đồng.

Áp dụng đơn vị yết giá mới, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn đặt lệnh, giúp thị trường tăng thanh khoản vì bước giá càng nhỏ, nhà đầu tư càng dễ mua bán, nhất là đối với các mã có thị giá thấp.

Thực tế, không ít mã chứng khoán có thị giá chỉ vài ngàn đồng, theo quy định cũ, đơn vị yết giá là 100 đồng nên hai mức giá đặt lệnh liền nhau có thể chênh lệch vài phần trăm, khiến hai bên mua bán khó gặp nhau. Ví dụ, cổ phiếu AGR ngày 8/9 có giá đóng cửa là 2.500 đồng/CP. Ngày 9/9, bên mua muốn mua AGR với giá thấp hơn thì bắt buộc phải đặt lệnh tại mức giá 2.400 đồng/CP. Ngược lại, bên bán muốn bán AGR với giá cao hơn thì bắt buộc phải đặt lệnh tại mức giá 2.600 đồng/CP. Như vậy, mức chênh lệch giá giữa hai bên trong trường hợp này lên tới hơn 8%. Trường hợp một bên đặt lệnh giao dịch tại mức giá tham chiếu thì mức chênh lệch cũng là hơn 4%. Hệ quả, thanh khoản bị ảnh hưởng vì bước giá lớn đã loại những bỏ những nhu cầu mua bán tại các mức giá không quá chênh lệch so với giá tham chiếu.

Đối với chứng khoán bị kiểm soát, theo quy định cũ, chứng khoán sẽ bị tạm ngừng giao dịch tối thiểu 2 ngày cho đến khi có công bố thông tin và có thông báo cho phép giao dịch trở lại của HOSE. Còn theo quy định mới, chứng khoán sẽ chỉ bị hạn chế thời gian giao dịch (giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận) cho đến khi có thông báo khác của Sở.

Về việc sửa, hủy lệnh, Quy chế giao dịch của HOSE cấm hủy lệnh trong thời gian khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa và khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (bao gồm cả các lệnh được chuyển từ đợt khớp lệnh liên tục sang).

Trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đơn vị yết giá đối với cổ phiếu từ ngày 12/9 giữ nguyên là 100 đồng, nhưng đối với chứng chỉ quỹ ETF giảm từ 100 đồng xuống 1 đồng nhằm phản ánh tốt hơn những biến động về giá trị tài sản ròng tham chiếu trong ngày (i-NAV), cũng như khuyến khích các thành viên lập quỹ (AP) thực hiện các giao dịch hoán đổi.

Nhằm hạn chế việc nhà đầu tư thực hiện các biện pháp thao túng giá tại phiên khớp lênh định kỳ đóng cửa, đồng thời thống nhất với quy định trên toàn thị trường về sửa, hủy lệnh tại phiên này, Quy chế giao dịch mới của HNX không cho phép nhà đầu tư sửa, hủy lệnh đã đặt tại phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa, kể cả lệnh đã được đặt từ phiên khớp lệnh liên tục trước đó (Quy chế giao dịch trước đây cho phép nhà đầu tư được sửa/hủy các lệnh giao dịch còn hiệu lực của mình trước 5 phút cuối cùng của phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa). Tuy nhiên, việc sửa, hủy lệnh đối với các lệnh đặt hoặc phần còn lại của lệnh đặt và thứ tự ưu tiên về lệnh sửa tại phiên khớp lệnh liên tục vẫn giữ nguyên so với Quy chế cũ.

Quy chế giao dịch mới được 2 Sở giao dịch ban hành theo Thông tư số 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thông tư 203 có hiệu lực từ 1/7/2016, cho phép nhà đầu tư được đặt lệnh cùng mua, cùng bán một loại chứng khoán trong phiên khớp lệnh liên tục. Hành vi này bị cấm thực hiện trong phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa (trừ trường hợp các lệnh cùng mua, cùng bán được chuyển từ phiên liên tục sang) nhằm tránh khả năng thao túng giá của các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư tổ chức.

Nhà đầu tư cũng được phép đặt lệnh bán đối với số lượng chứng khoán đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại ngày giao dịch (giao dịch trong ngày) và chứng khoán giao dịch chờ về. Cụ thể, giao dịch trong ngày là giao dịch mua và bán cùng một loại chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch. Chứng khoán giao dịch chờ về là chứng khoán mà nhà đầu tư đã mua trên hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán và đang trong quá trình hoàn tất chuyển quyền sở hữu.

Giao dịch trong ngày, giao dịch hàng chờ về kỳ vọng làm tăng vòng quay chứng khoán, thúc đẩy thanh khoản của thị trường, cũng như giúp nhà đầu tư có thêm những chiến thuật giao dịch đặc thù, qua đó tăng cơ hội đạt lợi nhuận. Tuy nhiên, hai loại giao dịch này sẽ được triển khai sau khi có hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Đáng chú ý, HNX cho biết, Sở đang gấp rút hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai hoạt động tạo lập thị trường để có thể ban hành quy định về giao dịch tạo lập thị trường và đưa vào áp dụng trong thời gian tới. Đây là một nghiệp vụ phổ biến tại các thị trường chứng khoán quốc tế, các nhà tạo lập thị trường là các tổ chức tài chính được cấp phép, luôn nắm giữ một lượng chứng khoán đủ lớn và sẵn sàng mua, bán, qua đó tạo thanh khoản cho chứng khoán.

HNX thay đổi đơn vị yết giá là phù hợp với xu thế và thông lệ chung

tin nhap 20160912082146

Ông Trần Vũ Thạch, Giám đốc Khối Giao dịch, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND)

Mọi thay đổi nhỏ về nguyên tắc giao dịch trên thị trường đều có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm và kết quả đầu tư của khách hàng. Tuy vậy, việc thay đổi quy chế giao dịch của HNX là bước đệm quan trọng để tiến tới việc cho phép giao dịch trong ngày (day-trade) và VNDirect tin rằng, việc đó sẽ giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường và nhà đầu tư có nhiều cơ hội giao dịch hưởng chênh giá tốt hơn.

Tại VNDirect, nhà đầu tư được phép đặt mua/bán đồng thời cùng một mã chứng khoán trong phiên khớp lệnh liên tục. Lệnh bán phải đảm bảo có đủ chứng khoán trong tài khoản và nhà đầu tư không được phép đặt mua/bán đồng thời cùng một mã chứng khoán trong phiên khớp lệnh định kỳ.

Việc HNX thay đổi đơn vị yết giá đối với chứng chỉ quỹ ETF là 1 đồng thay vì 100 đồng như trước (như đối với cổ phiếu) là phù hợp với xu thế và thông lệ chung của thế giới, kích thích sự tham gia giao dịch của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Các công ty chứng khoán không chỉ chuẩn bị hệ thống sẵn sàng đáp ứng các thay đổi theo quy định mới của các Sở giao dịch, mà còn phát triển các tính năng hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch dễ dàng và hiệu quả hơn khi bước giá giảm.

Điều mà nhà đầu tư quan tâm chờ đợi nhất là giao dịch trong ngày

tin nhap 20160912082146

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Việc thay đổi quy chế giao dịch của các Sở Giao dịch chứng khoán không gây thách thức lớn cho các công ty chứng khoán trong triển khai áp dụng. Bởi thực tế, Quy chế giao dịch mới được ban hành theo Thông tư số 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thông tư này đã được áp dụng từ 1/7/2016 và các nhà đầu tư thực hiện thành công, không có vướng mắc nào.

Trong khi đó, hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán hiện tại đang được thiết kế khá linh hoạt để đáp ứng được các thay đổi về yêu cầu giao dịch của Sở giao dịch và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng luôn nỗ lực nghiên cứu tìm hiểu để đưa ra các bộ lệnh nâng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch đa dạng của các nhà đầu tư.

Quy chế mới cấm hủy, sửa lệnh trong phiên định kỳ đóng cửa (ATC) là hợp lý, tránh được tình trạng cung ảo - cầu ảo, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Điều mà nhà đầu tư quan tâm chờ đợi nhất là giao dịch trong ngày vì nghiệp vụ này sẽ giúp thị trường tăng tính thanh khoản và giao dịch trên thị trường trở nên cân bằng hơn.


Theo Trí Dũng - Hải Vân

Đầu tư chứng khoán

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.