|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quốc tế Phương Anh (PAS) sắp lên UPCoM có gì đặc biệt?

19:30 | 17/09/2020
Chia sẻ
Ngày 21/9 tới đây, Quốc tế Phương Anh đưa 25,5 triệu cổ phiếu PAS lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 12.000 đồng/cp. Đây là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí, buôn bán các loại sắt thép, thép không gi, kim loại màu, théo đặc chủng.

PAS lên giao dịch trên UPCoM với giá 12.000 đồng/cp

Ngày 21/9 tới đây, CTCP Quốc tế Phương Anh chính thức đưa 25,5 triệu cổ phần lên giao dịch thị trường UPCoM với mã giao dịch PAS. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng/cp. Với mức giá này, qui mô vốn hóa của Quốc tế Phương Anh ước đạt hơn 300 tỉ đồng.

Hiện công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí, buôn bán các loại sắt thép, thép không gi, kim loại màu, théo đặc chủng. Ngoài ra, công ty còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản.

Về lịch sử hình thành, Quốc tế Phương Anh tiền thân là Công ty TNHH Inox Thành Nam thành lập năm 2010 với vốn điều lệ ban đầu 40 tỉ đồng do CTCP Tập đoàn Thành Nam (Mã: TNI) hoàn toàn sở hữu. Từ khi thành lập đến nay, công ty trải qua hai lần tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, tháng 10/2014, Inox Thành Nam chuyển đổi hoạt động sang loại hình CTCP đồng thời tăng vốn lên 150 tỉ đồng. Lần tăng vốn thứ hai lên 255 tỉ đồng vào tháng 11/2015 do công ty sáp nhập với CTCP Thép Sài Gòn. Cũng sau lần sáp nhập này, CTCP Inox Thành Nam chính thức đổi tên thành CTCP Quốc tế Phương Anh.

Cơ cấu cổ đông lớn của Quốc tế Phương Anh tính đến ngày 4/5/2020 gồm ba cá nhân nắm giữ tổng 18,04% vốn điều lệ và không có cổ đông tổ chức nào. Trong đó, duy nhất bà Nguyễn Thị Ngọc Hà hiện sở hữu 5,6863% vốn cổ phần là thành viên HĐQT không điều hành của công ty.

Quốc tế Phương Anh đang kinh doanh ra sao?

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu chủ yếu của Quốc tế Phương Anh đến từ bán hàng hóa. Trong năm 2019, doanh thu bán hàng hóa của công ty ghi nhận là 1.111 tỉ đồng, tăng 11,66% so với năm 2018. Nửa đầu năm nay, doanh thu hoạt động bán hàng hóa đạt 447,4 tỉ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm tỉ trọng 13,74% và nội địa chiếm 85,45%. Tổng doanh thu của công ty là hơn 451 tỉ đồng.

Quốc tế Phương Anh (PAS) sắp lên UPCoM có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Nguồn: BCB

Về lợi nhuận, trong 6 tháng đầu năm nay, Quốc tế Phương Anh ghi nhận lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4,4 tỉ đồng và 3,3 tỉ đồng. Kết quả này khởi sắc hơn so với khoản lợi nhuận trước thuế của công ty là 1,5 tỉ đồng trong năm 2019. Trong năm nay, Quốc tế Phương Anh xây dựng kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt hơn 825 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 4,84 tỉ đồng.

Theo thông tin từ phía công ty, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu tài chính tăng mạnh so với cùng kì, đạt gần ,4,7 tỉ đồng trong đó chủ yếu là lãi từ chuyển nhượng cổ phần với giá trị gần 4,5 tỉ đồng. Đây là khoản lãi phát sinh từ chuyển nhượng cổ phần của CTCP Khách sạn Vườn Đào Hạ Long. Giao dịch trên đã đóng góp lớn vào lợi nhuận chung trong 6 tháng đầu năm của công ty.

Nói về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo công ty cho rằng các công trình thường được khởi công sau tết âm lịch và hoàn thành trước tết âm lịch năm sau. Do đó, quí III và IV thường là cao điểm của ngành xây dựng. Với việc hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự biến động của ngành xây dựng, hoạt động sản xuất của công ty thường tăng trưởng mạnh trong 6 tháng cuối năm.

Về tổng tài sản của công ty, tính đến 30/6 năm nay, tổng tài sản của Quốc tế Phương Anh đạt hơn 604 tỉ đồng, giảm nhẹ 9 tỉ đồng so với cuối năm 2019.

Trong cơ cấu tài sản của công ty có hai bất động sản tại Đà Nẵng là Quyền sử dụng đất số BG992090.Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở cao tầng và biệt thự cao cấp Sơn Trà (Điện Ngọc, Đà Nẵng) và quyền sử dụng đất số BA645774 tại bản số 758, Lô B7 khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ cao tầng và căn hộ đầu tuyến Sơn Trà (Điện Ngọc, Đà Nẵng). Hai bất động sản này đang được công ty nắm giữ với mục đích chờ tăng giá để bán.

Thu Thủy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.