Quốc hội lùi việc lấy ý kiến dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi) sang kỳ họp sau
Hôm nay (31/5), Quốc hội thảo luận Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) | |
'3 cơ quan cùng quản lý nợ công, không quốc gia nào giống Việt Nam!' |
Theo tờ trình đề nghị của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ 3 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV.
Qua tổng kết 10 năm thi hành Luật cạnh tranh, UBTVQH cho rằng có nhiều nội dung đã bộc lộ bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Luật cạnh tranh còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp như phương thức xác định thị trường liên quan, mô hình cơ quan cạnh tranh,... Trước tình hình này, UBTVQH cho rằng luật cần được nghiên cứu kỹ, trao đổi, thống nhất giữa các cơ quan có liên quan.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) kết thúc đàm phán trong năm 2015 đã đặt ra một số vấn đề về chính sách cạnh tranh cần được nghiên cứu, nội luật hóa trong Luật cạnh tranh (sửa đổi).
UBTVQH kết luận nếu pháp luật cạnh tranh của Việt Nam chỉ áp dụng trong phạm vi lãnh thổ như hiện nay thì sẽ không thể xử lý được các hành vi phản cạnh tranh diễn ra ở nước ngoài, có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Việc phân tích, đặc định các hành vi mới nêu trên để từ đó đưa ra định hướng điều chỉnh trong Luật cạnh tranh cần phải có thời gian để nghiên cứu, nhất là tham khảo thực tiễn, kinh nghiệm của các quốc gia phát triển.
Theo UBTVQH, sự phát triển, phổ cập nhanh chóng của internet, công nghệ thông tin và một số loại hình dịch vụ mới đã xuất hiện. Mặc dù vậy, những công nghệ này được cung cấp trên quy mô toàn cầu mà không cần phải thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam như công cụ tìm kiếm Google, mạng xã hội Facebook,...
Bộ Công an và Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo đang hoàn tất trình tự, thủ tục, hồ sơ để trình Chính phủ xem xét, thông qua để trình Quốc hội dự án Luật này.