|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội lo sân bay Long Thành đội vốn

18:27 | 24/10/2019
Chia sẻ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, nếu xét các thông số của Báo cáo thì Dự án sân bay Long Thành có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý doanh thu, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sản lượng hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sản lượng ngành hàng không, đặc biệt là dự án có khả năng bị đội vốn trong quá trình triển khai.

Chiều ngày 24/10, tiếp tục Chương trình Kì họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (sân bay Long Thành).

chklongthanh

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Trình bày báo cáo thẩm tra tại Hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, tổng mức đầu tư Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 4,779 tỉ USD, tương đương 111.689 tỉ đồng (chưa bao gồm hạng mục 4b là hạng mục xã hội hóa).

Về qui mô đầu tư giai đoạn 1 của Dự án sân bay Long Thành, gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. 

Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025. 

"Ủy ban Kinh tế tán thành qui mô giai đoạn 1 của Dự án, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Dự án để vừa bảo đảm tính cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực, vừa có thêm đường cất hạ cánh dự phòng cho đường cất hạ cánh thứ nhất để quá trình khai thác được liên tục, hiệu quả", ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, về kiến nghị điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất, ông Thanh cho biết, nếu bổ sung diện tích đất thu hồi vào Nghị quyết 53 thì trình tự, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án.

Do đó, UBKT đề nghị đưa diện tích đất thu hồi vào giai đoạn 1 của Dự án  để thi công nhanh 2 tuyến giao thông kết nối, trước mắt là đường công vụ phục vụ cho việc thi công các hạng mục của sân bay; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của Dự án.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, UBKT tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung (480 ha).

Theo UBKT, về hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính, nếu xét các thông số của Báo cáo thì Dự án có hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính. 

Tuy nhiên, cần lưu ý doanh thu, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sản lượng hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sản lượng ngành hàng không và mức tăng trưởng GDP, trong khi những thông số này biến động phụ thuộc nhiều biến số, kể cả biến động kinh tế quốc tế, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực và trên thế giới. 

Hơn nữa, tỉ suất nội hoàn kinh tế được tính trên cở sở tổng mức đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lập và với điều kiện không tăng vốn trong quá trình đầu tư xây dựng. Nếu nhà đầu tư không phải là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hoặc trong quá trình đầu tư xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư thì tỉ suất nội hoàn có thể thay đổi.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, theo báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án có thể đạt tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành.

Bởi sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kĩ thuật dự án, sau đó mới khởi công, thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài. Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, tính đến tháng 8/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% mức vốn được giao.

"Do đó, UBKT đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để Dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua", ông Thanh nhấn mạnh.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư theo phương án Chính phủ chọn là gần 111.700 tỉ đồng (tương đương 4,779 tỉ USD). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025.

Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục. Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lí nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lí nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lí bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo qui định của Luật Đầu tư.

Thu Hà