|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần soát xét, giám sát chặt các dự án quan trọng như sân bay Long Thành

07:13 | 24/10/2019
Chia sẻ
Cần soát xét lại các dự án đặc biệt quan trọng như công trình đường cao tốc sân bay Long Thành về giải ngân, quy trình đầu tư và lựa chọn nhà thầu.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thiếu tướng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, cần soát xét lại các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng về vấn đề giải ngân, quy trình đầu tư và việc lựa chọn nhà thầu.

Ví dụ như công trình đường cao tốc sân bay Long Thành, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn: các nguồn vốn khác, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA.

san_bay_long_thanh_cihi

Cần soát xét lại các dự án đặc biệt quan trọng như công trình đường cao tốc sân bay Long Thành về giải ngân, quy trình đầu tư và lựa chọn nhà thầu. (Ảnh minh họa: KT).

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Quốc hội đã chấp nhận báo cáo của Chính phủ là đã tách ra thành một dự án riêng về để giải phóng mặt bằng bồi thường, tái định cư hỗ trợ cho người dân với 23.000 tỷ.

Đây là một trong những tiểu dự án rất quan trọng, liên quan đến nhiều khu tái định cư sự di chuyển của người dân. Những vấn đề về chính sách tôn giáo, người có công, đặc biệt là 15.000 dân.

Hiện tỉnh Đồng Nai cũng đã có những cố gắng phối hợp với tất cả các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương để người ta tiến hành các việc kiểm đếm, đánh giá lại toàn bộ đất đai và các loại tài sản của người dân trên địa bàn mà thu hồi giai đoạn một.

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá đây là việc rất khó vì đất đai này thuộc nhiều đối tượng khác nhau, được người dân sử dụng qua rất nhiều, thậm chí có nhiều các khu vực lại chưa được đo đạc, kiểm đếm, cấp phép.

Ngoài ra, đất đai này không chỉ đơn giản là nhà ở của người dân, mà còn thuộc về các cơ sở tôn giáo, đường giao thông, suối khe, sông. Nghĩa là trong đó có cả những loại đất đai không thuộc về điều kiện phải bồi thường.

“Ví dụ như sông, suối thì ai bồi thường vào đấy. Những chỗ này nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến sơ hở để một số đối tượng lợi dụng việc mở rộng thêm diện tích và ký khống các văn bản giống như một số nơi đã từng có. Điều này là hết sức nguy hiểm”, ông Nhưỡng nêu ý kiến.

Do đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải sử dụng các công cụ pháp lý khác, công cụ kinh tế và công cụ quyền lực để xử lý các vấn đề. Phải đồng bộ và nhiều kênh nhiều hình thức giám sát, trong đó có sự giám sát của báo chí, giám sát của nhân dân.

Vân Anh