Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thể hiện tham vọng với tiền ảo
Singapore vốn là một trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Chính phủ nước này được cho là đang tìm cách đảm bảo vị thế của mình như một người chơi hàng đầu trong không gian tiền ảo. Người đứng đầu tổ chức ngân hàng trung ương Singapore đã thẳng thắn về quan điểm này trong những chia sẻ gần đây.
Singapore tự định hướng trở thành trung tâm kinh doanh tiền ảo
CEO của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) Ravi Menon tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng chính phủ nước này đang muốn triển khai nhiều kế hoạch để trở thành một trong những người chơi chính trong thị trường tiền ảo.
Các kế hoạch diễn ra khi Singapore và các trung tâm tài chính khác trên thế giới đều đang tìm cách để điều chỉnh lĩnh vực phát triển nhanh chóng là tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử.
“Chúng tôi nghĩ rằng cách tiếp cận tốt nhất là không kìm hãm hoặc cấm những thứ này”, ông Menon khẳng định.
MAS là tổ chức ngân hàng trung ương của Singapore chịu trách nhiệm thiết lập các quy tắc cho toàn bộ ngân hàng và công ty tài chính.
Cơ quan này hiện đang cố gắng đưa ra "quy định rõ ràng" cho các công ty kinh doanh tiền ảo để tạo điều kiện và yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về mặt chính sách. Đồng thời, các công ty cũng sẽ phả giải quyết đầy đủ các rủi ro liên quan tới hoạt động kinh doanh, giao dịch tiền ảo sao cho đảm bảo tuân thủ luật pháp.
“Với các hoạt động dựa trên tiền ảo thì về cơ bản đó là một khoản đầu tư tiềm năng vào tương lai nhưng hình dạng của nó không rõ ràng vào thời điểm này”, ông Menon lưu ý.
Vị CEO này cũng cảnh báo rằng Singapore có nguy cơ bị tụt hậu nếu không tham gia vào lĩnh vực tài sản kỹ thuật số. Ông giải thích thêm rằng: “Sớm tham gia vào trò chơi đó có nghĩa là chúng ta có thể có một khởi đầu thuận lợi, hiểu rõ hơn về những lợi ích tiềm năng cũng như rủi ro của nó”.
Ravi Menon nhấn mạnh rằng Singapore phải nâng cao các biện pháp bảo vệ để chống lại các rủi ro liên quan tới rửa tiền.
Bên cạnh đó, đất nước cũng cần “quan tâm đến việc phát triển công nghệ tiền điện tử, hiểu về blockchain, hợp đồng thông minh”. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh rằng Singapore đang chuẩn bị cho một thế giới Web 3.0.
Singapore trong cuộc đua thu hút doanh nghiệp tiền ảo
Trong cuộc đua thu hút các doanh nghiệp tiền điện tử, Singapore đang cạnh tranh với các điểm đến như Malta, Thụy Sĩ và El Salvador và nhiều quốc gia khác. Đó đều là những nhiệm vụ khó khăn vì trong nhiều trường hợp, ngành công nghiệp tiền ảo đã phát triển với ít quy định và nhiều người tham gia lĩnh vực đang phản đối sự can thiệp và kiểm soát quá sâu của chính phủ (nếu có).
Một nền tảng tiền điện tử lớn đã hoạt động ở Singapore là Binance sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số hàng đầu thế giới cũng đã vấp phải các vấn đề liên quan tới quy định.
Đầu năm nay, MAS thông báo rằng có 170 công ty đăng ký giấy phép dịch vụ thanh toán, nâng tổng số người nộp đơn theo Đạo luật dịch vụ thanh toán từ tháng 1/2020 lên con số 400.
Vào tháng 8, cơ quan này tiết lộ họ đã thông báo cho một số nhà cung cấp rằng họ sẽ được cấp phép. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chỉ có 3 công ty tiền ảo thực sự nhận được giấy phép, bao gồm cả chi nhánh môi giới của DBS - ngân hàng lớn nhất của Singapore. Trong khi đó, khoảng 30 đơn vị khác đã rút đơn đăng ký.
Giám đốc điều hành của MAS chỉ ra rằng cơ quan quản lý đang dành thời gian để đánh giá các ứng viên nhằm đảm bảo rằng họ đáp ứng các yêu cầu về mặt quy định và chính sách. Chính quyền cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực để quản lý hiệu quả nhiều công ty tiền ảo được cấp phép trong tương lai.
Ông nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không cần 160 công ty trong số đó, một nửa trong số họ có thể được cấp phép với tiêu chuẩn rất cao. Tôi nghĩ đó sẽ là kết quả tốt hơn”.
Ngoài ra, ông Menon tin rằng lợi ích của việc có một ngành công nghiệp tiền ảo trong nước được quản lý tốt cũng có thể mở rộng ra cả lĩnh vực tài chính.
“Nếu nền kinh tế tiền ảo được thúc đẩy phát triển theo cách nào đó, chúng tôi muốn trở thành một trong những người chơi hàng đầu”, ông khẳng định, thêm rằng không gian tiền điện tử có thể giúp tạo ra việc làm và giá trị gia tăng, thậm chí nhiều hơn so với ngành tài chính truyền thống.