|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỹ sẽ trở thành quốc gia tiền ảo và blockchain hàng đầu thế giới

07:38 | 03/11/2021
Chia sẻ
Mỹ đang nhanh chóng nắm bắt lĩnh vực tài chính phi tập trung, tiền ảo và ngành công nghệ blockchain đổi mới, cạnh tranh vươn lên vị trí số một toàn cầu.

Theo Cointelegraph, vào ngày 6/10, ông Gary Gensler, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã xác nhận trong phiên điều trần của Ủy ban Hạ viện về Dịch vụ Tài chính rằng cơ quan quản lý sẽ không cấm tiền ảo. Chính sách này có khả năng mở đường cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển tài chính phi tập trung (DeFi) và công nghệ blockchain.

Ông Gensler cũng nói rằng việc cấm tiền ảo không thuộc nhiệm vụ của SEC và nếu có cấm thì cũng là quyết định của Quốc hội. 

Theo ông, điều mà SEC quan tâm là làm thế nào để có thể bảo vệ được các nhà đầu tư, giao dịch. “Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan quản lý ngân hàng và những bên khác để đảm bảo rằng Bộ Tài chính có thể kiểm soát thị trường tiền ảo để chống rửa tiền, tuân thủ luật thuế”, ông Gensler nói.

Chính phủ Mỹ sẽ không cấm tiền ảo

Thông báo của SEC được đưa ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết vào ngày 30/9 rằng cơ quan quản lý không có kế hoạch cấm bitcoin và các loại tiền ảo khác. 

Khi nghị sĩ Ted Bud - một người ủng hộ lâu năm cho lĩnh vực tiền ảo và là thành viên của Nhóm họp kín về Blockchain của Quốc hội hỏi rằng liệu Fed có ý định cấm hay hạn chế việc sử dụng tiền ảo không thì ông Powell cũng trả lời là “Không. Tôi không có ý định cấm họ".

Mỹ sẽ trở thành quốc gia tiền ảo và blockchain hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Tiền ảo có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn ở Mỹ. (Nguồn: Investing.com)

Dĩ nhiên, việc Mỹ không cấm tiền ảo chỉ là bước đầu, từ đó, nhiều người quan tâm hơn tới tiềm năng rằng liệu Mỹ có nghiên cứu để cho ra những chính sách thúc đẩy tiền điện tử không. Nếu có những quy định mới được ban hành, cộng đồng có thể tham gia nhiều hơn vào quá trình thảo luận các phương pháp điều chỉnh hoạt động của ngành.

Khi nền kinh tế lớn nhất thế giới thông báo rằng họ sẽ cho phép tiền điện tử tồn tại với ngành tài chính hiện tại của nó - tất nhiên, với quy định thích hợp. Hiện nay, Mỹ đã cho phép hệ thống ngân hàng truyền thống hoạt động cùng với hệ thống tài chính phi tập trung mới và đang phát triển nhanh chóng. 

Xu hướng có thể giúp Mỹ trở thành tiên phong trong phát triển fintech, công nghệ blockchain và thậm chí vào các phần độc đáo hơn của tài chính phi tập trung như bảo hiểm, tài trợ thương mại và gây quỹ.

Từ quan điểm pháp lý, cộng đồng tiền ảo và chính phủ Mỹ vẫn cần phải làm rất nhiều việc để xác định mối quan tâm của họ, cùng nhau đưa ra quyết định để điều chỉnh ngành, bao gồm quy định về các đồng tiền điện tử ổn định, sàn giao dịch phi tập trung,...

Mỹ dẫn đầu trong công nghệ blockchain

Thực tế, ngay cả các nhà lập pháp Mỹ cũng đang mua bitcoin. Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis tiết lộ rằng bà đã đầu tư từ ngày 16/8, mua vào số bitcoin trị giá từ 50.001 USD đến 100.000 USD.

Bởi vì chính phủ Mỹ cho đến nay vẫn khẳng định sẽ không cấm tiền ảo và các chính trị gia đều đang đầu tư vào chúng nên sẽ là một ý tưởng hay cho tất cả chúng ta khi đánh giá lại danh mục đầu tư của mình và xem xét lâu dài về bitcoin, ethereum cũng như các công nghệ blockchain mới khác.

Về cơ bản, Mỹ đang báo hiệu rõ ràng rằng họ sẽ nắm lấy và điều chỉnh bitcoin, công nghệ blockchain và các loại tiền ảo khác bên cạnh việc phát triển đồng USD kỹ thuật số. Từ góc độ địa chính trị, đây được xem là một chính sách không thể thông minh hơn vì Mỹ sẽ tự định vị để nhận được lượng đầu tư lớn từ nước ngoài, thu hút những tài năng tốt nhất trên hành tinh. 

Trong tương lai, rất có thể Mỹ sẽ trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực tài chính phi tập trung, nhất là khi các cơ quan quản lý tiếp tục làm việc với cộng đồng các nhà đầu tư tiền ảo để xây dựng một ngành công nghiệp bền vững và an toàn.

Thu Phương