Qui trình cấp phép xây dựng bị phức tạp hóa vì Bộ Xây dựng quá ôm đồm
5 hạn chế sau 5 năm thực hiện Luật Xây dựng
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), sau hơn 5 năm thực hiện, luật Xây dựng đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, một số chế định không còn phù hợp hoặc cần được xây dựng mới, nên rất cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Trong đó có 5 hạn chế rõ ràng nhất và ảnh hưởng đến uy trình thực hiện dự án của doanh nghiệp và người dân.
HoREA cho rằng, cấp phép xây dựng đang bị phức tạp hóa khiến dự án xây trái phép ngày một nhiều. Ảnh: NLĐ
Đầu tiên là chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; thứ 2 là phương thức xây dựng luật kiểu "Luật khung, Luật ống" khó đấu tranh nhằm hạn chế lợi ích cục bộ của các bộ, ngành; thứ 3 là công tác thực thi pháp luật và việc quy định về các điều kiện, cơ chế thực thi pháp luật của hệ thống các văn bản dưới luật. Đây cũng là khâu yếu nhất;
Hạn chế thứ 4 là thủ tục hành chính còn rườm rà, bất cập và điểm cuối cùng là trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế.
Cụ thể hóa những bất cập này, HoREA cho rằng, quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Nhưng, theo luật xây dựng hiện nay lại tách thành 3 quy trình trong đó Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) có thẩm quyền rất rộng trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hoạt động xây dựng, an toàn...
Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, thì tất cả các công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc trên 75 m) trong toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (2 lượt thẩm định).
Điểm bất tiện là sau khi đã được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng ở địa phương để xin cấp giấy phép xây dựng.
Trên thực tế, chủ đầu tư dự án nhà ở còn phải trực tiếp thực hiện thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy tại Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) và thẩm duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng). Trong khi luật Xây dựng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng phải chủ động trao đổi thông tin với các cơ quan nhà nước có liên quan.
Theo HoREA, đây là điều bất hợp lý cần được xem xét giải quyết triệt để khi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng.
Bộ xây dựng nên "nhả" bớt việc
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Bộ Xây dựng nên tập trung vào việc ban hành quy chuẩn quy hoạch xây dựng; xây dựng hệ thống định mức, đơn giá, suất đầu tư xây dựng; quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình; xây dựng cơ sở dữ liệu lớn; thực hiện phương thức hậu kiểm là chủ đạo thay vì tiền kiểm...
Theo đó, HoREA kiến nghị, nên sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 78 luật Xây dựng 2014 theo hướng tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật.
Tiếp đó là phân cấp và giao quyền cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật) và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt. Trường hợp UBND cấp tỉnh có yêu cầu thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng (nhằm hỗ trợ một số Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa đảm bảo năng lực thẩm định thiết kế xây dựng công trình cấp I, hoặc công trình có kỹ thuật phức tạp...).
Về lâu dài cần xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và thực hiện công tác hậu kiểm, để nâng cao vai trò và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng.
"Lấy ví dụ điển hình như Sở Xây dựng TP.HCM đã tích hợp các quy trình thẩm định thiết kế xây dựng vào quy trình cấp giấy phép xây dựng. Nhờ đó, đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 122 ngày xuống chỉ còn 42 ngày", ông Châu bày tỏ.