|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Qui định là chưa đủ để Trung Quốc xử lí các vụ vỡ nợ trái phiếu

17:31 | 07/01/2020
Chia sẻ
Chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện các bước đi chưa từng có trong vài tuần gần đây để đối phó với số trường hợp vỡ nợ trái phiếu đang tăng lên và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như là chưa đủ.
Qui định là chưa đủ, Trung Quốc phải mạnh tay hơn khi xử lí các vụ vỡ nợ trái phiếu - Ảnh 1.

Qui định chung chung nhưng thiếu chi tiết không thể giúp Trung Quốc xử lí tình trạng vỡ nợ trái phiếu tràn lan. (Ảnh: Xinhua)

Các động thái của Bắc Kinh đã vô tình tiết lộ mong mỏi cấp bách của quan chức chính phủ trong việc chế ngự các con nợ khó kiểm soát, thường cung cấp thông tin không đầy đủ, liên tục trì hoãn trả nợ và kéo dài thủ tục phá sản. Dự thảo của bộ qui tắc đầu tiên về xử lí trái phiếu thanh toán trễ hạn đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực trên.

Theo Bloomberg, nếu thất bại ở mục tiêu trên sẽ cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy thị trường vốn hiện đang vận hành ổn định để hiện đại hóa nền kinh tế nội địa còn đang phụ thuộc nhiều vào hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, nói thì luôn dễ hơn làm.

Định hướng rộng nhưng thiếu chi tiết

Mặc dù có lập trường chính sách cứng rắn, các cam kết mới nhất của chính quyền Bắc Kinh vẫn còn chung chung và thiếu thông tin chi tiết như làm thế nào để thực thi hình phạt đối với doanh nghiệp vỡ nợ không tuân thủ qui định và giúp nhà đầu tư thu hồi lỗ.

Dọn dẹp mớ hỗn độn trên thị trường trái phiếu cũng đòi hỏi Trung Quốc phải củng cố luật phá sản mới của họ.

Trong dự thảo qui tắc công bố ngày 27/12 nêu trên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), cơ quan hoạch định kinh tế và cơ quan điều tiết chứng khoán đã kêu gọi cải thiện cơ chế xử lí vỡ nợ trái phiếu.

Các tổ chức trên nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp với các chủ nợ và kêu gọi hệ thống ngân hàng giám sát, cơ quan thẩm định và cơ quan xếp hạng tín dụng gánh vác nhiều trách nhiệm hơn.

"Dự thảo chủ yếu bao gồm các nguyên tắc chung trong xử lí trái phiếu vỡ nợ. Dự thảo này cho thấy vấn đề trên nhận được sự quan tâm rất lớn ở cấp quốc gia", ông Yang Peiming, đối tác tại công ty luật Llinks (Thượng Hải), nhận định.

Tuy nhiên, ông Yang cho hay dự thảo thiếu các chi tiết thực thi, điều đó có nghĩa là tòa án tối cao Trung Quốc phải công bố các biện pháp cụ thể hơn nữa.

Các cơ quan quản lí cũng đã đưa ra các hướng dẫn khác về giao dịch trái phiếu vỡ nợ vài tuần gần đây và dự kiến sẽ công bố các qui tắc về hoán đổi trái phiếu vỡ nợ. Tòa án tối cao Trung Quốc cũng đã có một số động thái ban đầu như soạn thảo các qui tắc nhằm xem xét kĩ lưỡng hơn hành vi của đơn vị bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Qui định là chưa đủ, Trung Quốc phải mạnh tay hơn khi xử lí các vụ vỡ nợ trái phiếu - Ảnh 3.

Trung Quốc có hai năm liên tiếp vỡ nợ trái phiếu kỉ lục. Ảnh: Bloomberg, đơn vị: tỉ nhân dân tệ.

Trái chủ chịu rủi ro cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu vỡ nợ ít bị phạt

Bắc Kinh đã đi được một chặng đường dài kể từ khi cho phép trái phiếu nội địa vỡ nợ lần đầu tiên cách đây 6 năm và đang tìm cách áp dụng kỉ luật nghiêm khắc hơn trong một thị trường đã quen với các gói cứu trợ của chính phủ.

Tuy nhiên, các trái chủ của Trung Quốc đang phải chịu tổn thất lớn vì vỡ nợ trái phiếu trong khi doanh nghiệp đi vay lại ít hoặc không đối mặt với hình phạt nào.

Theo Bloomberg, giá trị trái phiếu vỡ nợ tại Trung Quốc đã đạt 134,1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 19,2 tỉ USD) vào năm 2019, tức năm thứ hai liên tiếp ghi nhận số vụ vỡ nợ kỉ lục mới.

Trong số 414 trái phiếu nội địa đã vỡ nợ vào cuối năm 2019, chỉ có 74 trái phiếu hoàn thành "tái cơ cấu nợ đúng cách", theo ông Tan Chang, một nhà phân tích tại công ty xếp hạng tín dụng Chengxin International Rating.

Tỉ lệ thu hồi vốn từ trái phiếu vỡ nợ năm 2018 là 3,9%, trong khi 4 năm trước đó là 24%, Bloomberg dẫn số liệu của công ty Shanghai Chongyang Investment tính đến ngày 27/12 cho hay.

Yên Khê