|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Qui mô vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc lên cao kỉ lục, vượt mức 17 tỉ USD

17:00 | 04/12/2019
Chia sẻ
Thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc đang tiến tới một năm phá kỉ lục về qui mô vỡ nợ, đặt ra nhiều thách thức cho Bắc Kinh trong quá trình duy trì tính ổn định của thị trường tài chính khi mà nền kinh tế giảm tốc và doanh nghiệp đối mặt với mức nợ chưa từng có.
2

Ảnh: Bloomberg

Chỉ từ đầu tháng 11 đến nay có đến 11 vụ vỡ nợ trái phiếu, nâng qui mô vỡ nợ lên mức kỉ lục

Theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp, kể từ đầu tháng 11 đã có ít nhất 11 vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra, nâng qui mô vỡ nợ từ đầu năm đến nay lên 120,4 tỉ nhân dân tệ (tương đương 17,1 tỉ USD), chỉ còn cách mức nợ 121,9 tỉ nhân dân tệ năm 2018 một "đường tơ kẽ tóc".

Mặc dù số lượng trái phiếu vỡ nợ chỉ chiếm một con số khiêm tốn trong thị trường trái phiếu trị giá đến 4.400 tỉ USD của Trung Quốc, nó vẫn dấy lên nhiều lo ngại về khả năng khủng hoảng lây lan khi nhà đầu tư phải vật lộn để biết doanh nghiệp nào nhận được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lâm vào thế khó khi phải thu hồi chính sách hỗ trợ từ lâu đã làm bóp méo thị trường trái phiếu nội địa. Theo chính sách cũ này, Bắc Kinh sẽ ra giải cứu doanh nghiệp để họ không rơi vào cảnh phá sản mà không kéo nền kinh tế vốn đã suy yếu do chiến tranh thương mại và tăng trưởng toàn cầu đi xuống.

"Bắc Kinh đã nhận thấy rất khó để có thể giải cứu toàn bộ doanh nghiệp", theo nhận định của ông Wang Ying, nhà phân tích tại Fitch Ratings (Thượng Hải).

Trong năm nay, khối nợ của Trung Quốc đã lan rộng ra nhiều ngành nghề, từ bất động sản, chế biến thép, phát triển năng lượng tái tạo đến phần mềm.

Ngoài ra, đối tượng đi vay gặp khó khăn khi thanh toán nợ đáo hạn cũng mở rộng từ các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước sang các mảng kinh doanh của nhiều trường đại học (một bộ phận vốn được quản lí rất lỏng lẻo và mơ hồ).

Mảng kinh doanh Peking University Founder Group thuộc Đại học Bắc Kinh đã khiến nhà đầu tư rúng động khi không thể thanh toán gốc và lãi cho số trái phiếu trị giá 2 tỉ nhân dân tệ.

Cùng ngày, nhà sản xuất linh kiện quang học Tunghsu Optoelectronic Technology cũng lâm vào tình trạng tương tự với khối trái phiếu trị giá 1,7 tỉ nhân dân tệ.

3

Nguồn: Bloomberg (Ghi chú: số liệu tính từ đầu năm 2019 đến ngày 3/12).

Dấu hiệu căng thẳng còn lan sang thị trường trái phiếu quốc tế niêm yết bằng đồng USD, vốn từ trước đến nay không hay gặp tình trạng vỡ nợ.

Tewoo Group, một công ty giao dịch hàng hóa lớn ở tỉnh Thiên Tân, sắp sửa trở thành doanh nghiệp nhà nước tiếng tăm đầu tiên tuyên bố vỡ nợ trái phiếu tính bằng đồng USD trong hơn 20 năm qua.

Công ty gần đây có công bố kế hoạch tái cơ cấu nợ mà nhiều nhà đầu tư sẽ chịu lỗ nặng hoặc phải chấp nhận đổi trái phiếu mới với lợi tức thấp. Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra đối với một công ty nhà nước tầm cỡ như Tewoo.

"Vỡ nợ trái phiếu là lẽ tự nhiên trong chu kì hoạt động của thị trường tín dụng"

Mặc dù xuất hiện hàng loạt tin xấu, các nhà phân tích nhận định nguy cơ khủng hoảng nợ tại Trung Quốc vẫn còn đang ở rất xa.

"Tôi không nghĩ đây là điểm bùng phát vỡ nợ trái phiếu... Trung Quốc là một thị trường lớn với nhiều nhà phát hành. Trong một thị trường vốn đang hoạt động, xảy ra một số vụ vỡ nợ là điều nằm trong dự đoán", theo nhận định của ông Todd Schubert, Giám đốc điều hành Bank of Singapore.

S&P Global Ratings cho biết vào tháng trước rằng tỉ lệ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì ở mức tương đương năm ngoái là 0,5%.

Trong một báo cáo công bố hôm 3/12, Fitch thông tin tỉ lệ vỡ nợ trái phiếu ở nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước trong 10 tháng đầu năm đã tăng lên mức kỉ lục 4,5%, đồng thời nói thêm rằng con số này có thể cao hơn mức vỡ nợ thực tế do một số doanh nghiệp chọn hướng giải quyết riêng với trái chủ thay vì thông qua phòng thanh toán.

Trong khi đó, tỉ lệ vỡ nợ trái phiếu ở nhóm doanh nghiệp nhà nước chỉ ở mức 0,2% nhờ vào hỗ trợ tài chính từ chính phủ Trung Quốc và cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng được cải thiện.

Đối mặt với núi nợ doanh nghiệp tương đương 165% GDP năm 2018, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cho phép một số doanh nghiệp vỡ nợ để răn đe bên đi vay cũng như nhà đầu tư.

Bà Anne Zhang, người đứng đầu Bộ phận trái phiếu của JPMorgan Private Bank, cho hay: "Tỉ lệ vỡ nợ tăng nên được nhìn nhận như một lẽ tự nhiên trong chu kì của thị trường tín dụng. Về lâu dài, đây là tín hiệu tích cực đối với bất kì thị trường nào trong quá trình phát triển cơ chế định giá rủi ro".

Tuy nhiên, kế hoạch của Bắc Kinh sẽ ít rủi ro với nhà đầu tư hơn nếu các nhà hoạch định chính sách làm việc để cải thiện tính minh bạch xung quanh các vụ vỡ nợ, theo nhà phân tích Cindy Huang của S&P Global Ratings.

"Cho đến nay, tình trạng vỡ nợ và thanh toán nợ là điều không thể đoán trước. Vấn đề này sẽ cản trở niềm tin của thị trường và làm suy yếu sự phát triển lành mạnh của thị trường tín dụng Trung Quốc", bà nhấn mạnh.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.