|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quảng Nam dừng xem xét chuyển 34 ha rừng làm thủy điện sông Tranh 4 của Hà Đô

11:16 | 26/01/2021
Chia sẻ
UBND tỉnh Quảng Nam đã rút tờ trình xin chuyển đất rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án thủy điện Sông Tranh 4 trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Tiên Phước của CTCP Thủy điện Sông Tranh 4, công ty con của Hà Đô.
Quảng Nam chưa xem xét chuyển gần 34 ha rừng làm thủy điện Sông Tranh 4 của Hà Đô - Ảnh 1.

Dự án thủy điện Sông Tranh 4 tại huyện Hiệp Đức và Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hà Đô).

Ngày 13/10/2020, CTCP Thủy điện Sông Tranh 4 có tờ trình về việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án thủy điện Sông Tranh 4 trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Tiên Phước. 

Trong đó, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất đề nghị xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là 33,734 ha.

Căn cứ các hồ sơ dự án của CTCP Thủy điện Sông Tranh 4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình HĐND tỉnh xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án thủy điện Sông Tranh 4.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án thủy điện Sông Tranh 4 có công suất lắp máy 48 MW, tạo ra sản lượng điện trung bình năm khoảng 178.19 triệu KWh và dự kiến được đưa lên lưới điện quốc gia. 

Ngoài ra, công trình cũng góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phát triển dân sinh kinh tế huyện Hiệp Đức, Tiên Phước và cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới nông nghiệp trong vùng dự án.

Thủy điện sông Tranh 4 do CTCP Thủy điện Sông Tranh 4, công ty con do CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) nắm 100% quyền biểu quyết và hơn 67% tỷ lệ lợi ích (tính đến ngày 30/9/2020), làm chủ đầu tư. 

Dự án nằm ở xã Quế Lưu và xã Phương Thăng, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam và có tổng mức đầu tư khoảng 1.750 tỷ đồng.

Tổng diện tích thực hiện dự án theo trích đo địa chính hơn 434 ha. Trong đó, phần diện tích đã thu hồi chuyển sang đất năng lượng năm 2018, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho CTCP Thủy điện Sông Tranh 4 hơn 28 ha; phần diện tích đang triển khai đo đếm giải thửa hiện nay hơn 406 ha.

Còn phần diện tích gần 34 ha chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án thủy điện Sông Tranh 4 là rừng sản xuất, loại rừng trồng.

Sau khi nhận được tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Kinh tế  - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra, đề nghị HĐND tỉnh thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng 34 ha rừng sản xuất sang mục đích khác của dự án thủy điện Sông Tranh 4. 

Tuy nhiên, trước khi diễn ra kỳ họp HĐND tỉnh ngày 13/1, UBND tỉnh Quảng Nam đã rút tờ trình này lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Hoàn, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy điện Sông Tranh 4 xác nhận, việc tờ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng 34 ha rừng sản xuất sang mục đích khác của dự án thủy điện Sông Tranh 4 không được trình tại kỳ họp ngày 13/1.

"Hiện công ty đã xây dựng xong dự án thủy điện Sông Tranh 4, việc chuyển mục đích đất rừng này là thủ tục pháp lý liên quan đến Nghị định 83 (ngày 15/7/2020)", Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy điện Sông Tranh 4 cho hay.

CTCP Thủy điện Sông Tranh 4 thành lập ngày 22/9/2010. Người đại diện pháp luật và Tổng Giám đốc là ông Lê Xuân Long; ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Chủ tịch HĐQT.

Ngày 8/1 mới đây, Thủy điện Sông Tranh 4 công bố tăng vốn điều lệ từ 353 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết thêm, việc rút tờ trình, chưa trình HĐND tỉnh Quảng Nam xem xét có ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đó vào năm 2016, Hà Đô đã M&A Thủy điện sông Tranh 4. 

Cụ thể, Hà Đô đã mua 13,5 triệu cp, tương đương 50% vốn của Thủy điện sông Tranh từ hai cổ đông hiện hữu. Đồng thời, CTCP Za Hưng, công ty con của Hà Đô cũng mua lại 49% vốn của Thủy điện sông Tranh 4.

Tính đến ngày 30/9/2020, dự án thủy điện sông Tranh 4 có chi phí xây dựng cơ bản dở dang trên 1.132 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án năng lượng tái tạo nằm trong chiến lược phát triển của Hà Đô giai đoạn 2020 - 2021.

Quảng Nam dừng xem xét chuyển 34 ha rừng làm thủy điện sông Tranh 4 của Hà Đô - Ảnh 3.

(Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2020 của Hà Đô).

Ngoài dự án thủy nói trên, Hà Đô còn đầu tư dự án nhiều dự án năng lượng khác tại tỉnh Quảng Nam như: Thủy điện Za Hưng, ở huyện Đông Giang đã phát điện trong năm 2009, sản lượng đạt 122.7 triệu KWh/năm, tổng mức đầu tư 503 tỷ đồng; Thủy điện Đắk Mi 2 ở huyện Phước Sơn, có công suất 147 MW, sản lượng đạt 450 triệu KWh/năm, tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng;...

Chu Lai